Khắc phục hậu quả bão số 9, chủ động phương án ứng phó mưa lũ

Để đảm bảo không xảy ra thiệt hại do bão lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các địa phương đang tiếp tục theo dõi để sẵn sàng lực lượng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Khắc phục hậu quả bão số 9, chủ động phương án ứng phó mưa lũ ảnh 1Một cây phượng bị đỗ ngã trong sân trường do ảnh hưởng của bão số 9. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Ngày 26/11, ông Trần Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh vẫn tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi thông tin tình hình vùng áp thấp suy yếu từ bão số 9 để sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của bão số 9, từ rạng sáng 24/11 đến 7 giờ ngày 26/11 hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa và mưa to, có nơi mưa rất to, như Nhơn Trạch 99,4mm, Long Thành 94,8mm, thành phố Biên Hòa 98,9mm.

Do mưa lớn kéo dài nên đã xảy ra ngập úng cục bộ ở một số tuyến đường tập trung đông dân cư. Ở một số khu vực như Biên Hòa, Long Khánh, Tân Phú xảy ra gió lớn khiến một số cây xanh bị đổ.

Theo ông Trần Đình Minh, trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp phòng chống, đặc biệt là tuyên truyền, hướng dẫn bà con ứng phó, không để xảy ra thiệt hại về người và tài sản.

[Người dân TP.HCM vật lộn với mưa lớn, học sinh được nghỉ học]

Hiện nay, để đảm bảo không xảy ra thiệt hại về người và tài sản do bão lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai và các địa phương đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó khi có sự cố xảy ra; đồng thời kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lốc xoáy, sạt lở đất, nhằm kịp thời ứng phó, cũng như điều tiết nước các hồ chứa để tạo dung tích phòng lũ, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Ông Đào Đức Trình, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, để đảm bảo tính mạng cho học sinh, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường và cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học ngày 26/11.

Trường hợp bão lũ diễn biến phức tạp, các trường học, cơ sở giáo dục chủ động căn cứ tình hình tại địa phương cho học sinh nghỉ học để đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho các em.

Sau khi cho học sinh nghỉ học, trường tự cân đối, bố trí thời gian dạy bù để đảm bảo theo đúng chương trình học tập của học sinh.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 9, trong hai ngày 24 và 25/11, nhiều địa phương ở tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều diện tích rau hoa, càphê… bị nhấn chìm.

Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương cho biết tính đến sáng 26/11, nước dâng cao dọc hai bên sông Đa Nhim khiến hơn 70 ha rau màu tại các xã Lạc Xuân, Tu Tra bị ngập.

Cầu Ông Thiều ở thôn Suối Thông, xã Tu Tra (Đơn Dương) bị ngập nặng, học sinh phải đi đường xa hơn để đến trường. Ủy ban Nhân dân huyện đã bố trí lực lượng dân phòng canh gác không cho người dân đi qua cầu.

Ở một số địa bàn khác thuộc tỉnh Lâm Đồng, mưa lũ cũng gây sạt lở nhiều đoạn trên tỉnh lộ 27C nối Đà Lạt-Nha Trang khiến giao thông bị tắc ở giữa đèo Hòn Giao (giáp ranh hai tỉnh) trong hai ngày qua.

Hiện, xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng) vẫn bị cô lập do dòng nước lũ.

Ông Hồ Đăng Thành, Bí thư Đảng ủy xã Đạ Quyn, cho biết mưa lớn làm nước dâng cao, khiến các cầu K61, K65, K67… đi vào xã bị ngập từ ngày 25/11 đến sáng 26/11 và tràn hồ đập Ma Bó, dẫn đến ngập cánh đồng lúa Ma Bó, 6 nhà dân bị nhấn chìm trong nước.

Ngày 25/11, giao thông trên địa bàn các xã Đà Loan, Ninh Loan, Đạ Quyn bị ngập cục bộ.

Dự báo đến chiều 26/11, nước bắt đầu rút, người dân có thể lưu thông đi lại bình thường.

Tại một số địa phương của huyện Di Linh do mưa lớn, nước từ trên núi đổ về, dâng cao khiến nhiều diện tích cà phê tại xã Gung Ré cũng bị nhấn chìm trong nước.

Cũng trong ngày 26/11, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công An tỉnh Bình Dương, cho biết ảnh hưởng bão số 9 gây mưa lớn làm nhiều tuyến đường, tuyến cống thoát nước ngang đường bị ngập sâu cục bộ.

Nước dâng đột ngột khiến người dân, người đi đường không di chuyển được trên quốc lộ 13 đoạn cống Suối Cát, Suối Giữa; nhà thờ Chánh Thiện phường Hiệp Thành; khu vực phía sau Bệnh viện Vạn Phúc, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một... khiến 1 người mất tích, 106 người cùng 1 ôtô bị ngập sâu, không di chuyển được.

Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện cứu nạn cứu hộ đưa người bị nạn, phương tiện đến nơi an toàn.

Lực lượng chức năng đang tập trung tìm kiếm nạn nhân Đào Hữu Huế (sinh năm 1995, quê quán Thanh Hóa) mất tích tại mương nước gần cống bê tông Bà Phủ, khu phố 4, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục