Bình Thuận giải tỏa lệnh cấm tàu và phòng chống lũ sau bão

Bình Thuận giải tỏa lệnh cấm tàu thuyền, cho ngư dân ra biển hoạt động, đánh bắt hải sản trở lại bình thường, nhưng phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của thời tiết.
Bình Thuận giải tỏa lệnh cấm tàu và phòng chống lũ sau bão ảnh 1Tàu, thuyền neo đậu tại cảng cá Phan thiết. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Sáng 26/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố giải tỏa lệnh cấm tàu thuyền, cho ngư dân ra biển hoạt động, đánh bắt hải sản trở lại bình thường, nhưng phải theo dõi chặt chẽ các thông tin về diễn biến của thời tiết, gió mạnh, sóng lớn trên biển để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị vẫn cử người trực ban theo dõi thông tin thời tiết xấu đang gây mưa, lũ lớn sau bão đổ bộ; đặc biệt là hiện nay mưa lớn gây lũ trên sông Lũy và sông Lòng Sông để chủ động ứng phó, thông tin cho báo đài, thông báo cho người dân tại vùng hạ du giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ gây ra.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước, vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Các lực lượng xung kích gồm quân sự, công an, biên phòng, giao thông vận tải, y tế... sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ các địa phương đang bị mưa, lũ, ngập lụt để di dời, sơ tán dân, tài sản đảm bảo an toàn.

[Bão số 9 làm một số thuyền máy ở Phan Thiết bị chìm, hư hỏng]

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, đến sáng 26/11, bão số 9 không gây thiệt hại về người; làm hư hỏng 19 căn nhà; tàu thuyền thiệt hại 36 chiếc; hư hỏng hai lồng bè thủy sản với 10.500 con; sạt lở 3km bờ biển; ngập 50ha lúa... Toàn tỉnh đã tổ chức di dời, sơ tán dân tại các điểm xung yếu là 495 hộ/1.882 khẩu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết tuy bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi đi vào đất liền nhưng vẫn còn phức tạp, vùng ảnh hưởng mưa sau bão vẫn có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất. Vì vậy, các cấp, ngành và người dân trong khu vực cần thường xuyên theo dõi thông tin, diễn biến tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin truyền thông để chủ động ứng phó; tăng cường công tác theo dõi phòng chống lũ sau bão.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các hồ chứa nước, phối hợp với các địa phương thông báo kịp thời cho nhân dân vùng hạ du hồ chứa biết khi phải xả lũ công trình, để chủ động di dời và thu hoạch sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... giảm tối đa thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục