Để trạm y tế làm tốt vai trò 'người gác cổng' - Bài cuối: Sẽ được tuyến trên 'cầm tay chỉ việc'

Để tăng cường năng lực cho y tế tuyến đầu, đảm bảo người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt nhất và theo dõi định kỳ các bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế đang đề xuất tăng mức chi của quỹ khám chữa bệnh BHYT cho trạm y tế, tăng cường năng lực khám chữa bệnh, thậm chí sẽ được tuyến trên "cầm tay chỉ việc".

Trạm y tế phường Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) được trang bị khá đầy đủ các thiết bị máy móc phục vụ khám bệnh. Ảnh: Tạ Nguyên

Kéo người dân về trạm y tế


Trước thực trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực tuyến trạm y tế xã phường, bổ sung các dịch vụ để thu hút người dân đến với tuyến đầu.


Theo ông Phan Văn Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế; để khắc phục hạn chế quỹ khám chữa bệnh BHYT còn thấp tại các trạm y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi các quy định theo hướng ưu tiên quỹ BHYT cho tuyến cơ sở. Cụ thể sẽ đề xuất bỏ quy định giới hạn chi không quá 20% qũy khám chữa bệnh BHYT cho tuyến y tế cơ sở mà sẽ thanh toán hoàn toàn các chi phí khám chữa bệnh tại trạm y tế.


Bên cạnh việc nâng cao khả năng chi trả BHYT, Bộ cũng sẽ mở rộng áp dụng các kỹ thuật mới cho các trạm y tế bên cạnh các dịch vụ đơn giản như cấp phát thuốc các bệnh mãn tính.


Để nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở, bước đầu, Bộ Y tế đang xây dựng thí điểm mô hình 26 trạm y tế đạt chuẩn tại 8 địa phương, trong đó có 3 trạm tại Hà Nội. Theo đó, mô hình trạm y tế đạt chuẩn phải có nguồn nhân lực tốt để bên cạnh tư vấn truyền thông giáo dục sức khỏe, tiêm chủng, thăm khám ban đầu thì phải làm được châm cứu, bấm huyệt, cần thiết có thể xã hội hoá ghế làm răng và một số dịch vụ khác. Trạm y tế đạt chuẩn phải làm được siêu âm, điện tim… khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… mới thu hút được người dân. Sau khi triển khai thành công, mô hình các trạm y tế đạt chuẩn sẽ được nhân rộng trên cả nước.


Đồng thời, Bộ Y tế đã chuẩn bị 2 dự án ODA để đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế với khu khám bệnh riêng, góc truyền thông riêng, phòng thủ thuật, phòng lưu thuốc, phòng lưu bệnh nhân để người dân khi có các bệnh thông thường như táo bón, tiêu chảy, đau đầu có thể đến ngay trạm y tế.


Theo các chuyên gia, để hút người dân khám chữa bệnh tại trạm y tế, khi tuyến xã, phường làm tốt các dịch vụ kĩ thuật thì có thể sẽ không thanh toán BHYT cho các dịch đó tại tuyến trên thì người dân sẽ phải sử dụng các dịch vụ ở tuyến cơ sở. Đồng thời có thể hạn chế việc khám, chữa bệnh thông thường tại tuyến huyện, tỉnh, tuyến Trung ương…


Thêm nhiều bác sĩ giỏi  


Theo các chuyên gia, không chỉ nâng cao chất lượng các dịch vụ, để người dân tin tưởng đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế cần tăng cường trình độ nhân lực, nhất là phải đưa bác sĩ về y tế cơ sở.


Bộ Y tế cũng đang hướng đổi mới đào tạo bác sĩ định hướng chuyên khoa y học gia đình cho các trạm y tế. Các bác sĩ tại các trạm y tế sẽ được đào tạo tại chỗ hoặc đi học để nâng cao trình độ năng lực.


Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc luân chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới có thể “kéo” các bệnh thông thường về tuyến xã và người dân không phải đi xa khi có bệnh. Tới đây, ngoài việc nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, tại các trạm y tế sẽ có bác sĩ tuyến trên từ huyện, tỉnh, đặc biệt có cả bác sĩ Trung ương về tư vấn, “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để tạo niềm tin cho người dân đến y tế cơ sở thăm khám. Các bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới sẽ tập trung vào chuyên khoa nội, gần gũi với mô hình bệnh tật tuyến đầu.


Bên cạnh đó, để cán bộ y tế cơ sở yên tâm làm việc thì chế độ đãi ngộ cũng cần phải được điều chỉnh và phải tăng theo hướng khoán định suất để thu hút các y, bác sĩ về tuyến cơ sở.


Đây cũng là những điều kiện để các trạm y tế có thể đảm bảo cả về cơ sở vật chất và trình độ chuyên môn để hút người dân đến khám, chữa bệnh, thực hiện được đúng vai trò “người gác cổng” của ngành y tế.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Để trạm y tế làm tốt vai trò 'người gác cổng'
Để trạm y tế làm tốt vai trò 'người gác cổng'

Trong khi bài toán quá tải bệnh viện vẫn khó tìm lời giải thì tuyến y tế cơ sở hiện vẫn chưa thể làm tốt vai trò trong khám, chữa các bệnh cơ bản; cấp phát thuốc với các bệnh mãn tính, theo dõi sức khoẻ định kỳ... để kéo bệnh nhân về tuyến dưới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN