Phát triển nền Đông y để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.”
Phát triển nền Đông y để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 17/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.”

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngay sau khi Chỉ thị số 24-CT/TW được ban hành, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tích cực xây dựng và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định quan trọng để triển khai thực hiện Chỉ thị.

Trong 10 năm qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành 46 văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý công tác y dược cổ truyền, cơ bản phù hợp với thực tiễn và phát triển y dược cổ truyền.

Cùng với sự nỗ lực của Bộ Y tế, tại các địa phương, đơn vị công tác y dược cổ truyền cũng từng bước được quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khả quan như hệ thống mạng lưới về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ Trung ương đến địa phương dần được củng cố và phát triển, chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng học cổ truyền, kết hợp học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được chú trọng.

Công tác khám chữa bệnh học cổ truyền tại tuyến y tế cơ sở từng bước được quan tâm. Công tác nuôi trồng và phát triển dược liệu trong nước được chú trọng, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dược liệu, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Bộ trưởng Bộ Y tế đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận như Cấp ủy Đảng trong ngành y tế có nhận thức đúng về vai trò của y dược cổ truyền trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân hay không; việc triển khai công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền, sử dụng thuốc cổ truyền có bất cập gì, cần cơ chế đặc thù như thế nào; hệ thống văn bản quy phạm lĩnh vực y dược cổ truyền đã phù hợp chưa, có hỗ trợ cho sự phát triển của y dược cổ truyền không; nguồn nhân lực y dược cổ truyền hiện có đáp ứng với nhu cầu và thực tiễn hay không; nguồn kinh phí dành cho y học cổ truyền hiện nay như thế nào...?

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sau Hội nghị này, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế sẽ tiếp thu và hoàn thiện báo cáo chính thức gửi Ban Tuyên giáo Trung ương để tổng hợp trình Ban Bí thư về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chỉ ra những nguyên nhân của các hạn chế và đề xuất các giải pháp phù hợp để phát triển nền y, dược cổ truyền của Việt Nam.

Đó là mặc dù việc thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW đã có những tác động nhất định làm thay đổi nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị về vị trí và vai trò của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối với tự chăm sóc và chữa bệnh tại cộng đồng.

Tuy nhiên vẫn còn bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của y dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh; có những lãnh đạo cấp ủy do mới nhận nhiệm vụ nên chưa biết đến nội dung của Chỉ thị.

Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị cần được tiếp tục triển khai thường xuyên, liên tục, sâu rộng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm củng cố nhận thức đúng đắn về vai trò và giá trị của nền y dược cổ truyền Việt Nam trong hệ thống dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nguồn lực cho y dược cổ truyền chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; các quy định hiện hành đã xuất hiện những hạn chế nhất định đối với sự phát triển của y dược cổ truyền Việt Nam.

Nhiều văn bản đang dừng ở mức độ “chủ trương,” “đường lối” chứ chưa có những quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng gặp khó trong tuân thủ, thực hiện…

Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW, hệ thống pháp luật, chính sách về y dược cổ truyền dần được hoàn thiện đã khẳng định chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực y dược cổ truyền, vai trò của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và hệ thông y tế.

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo cơ chế thuận lợi để tập hợp và huy động thêm nguồn lực trong xã hội vào hoạt động phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các chính sách về y dược cổ truyền được ban hành áp dụng cho cả y tế công và tư đã đảm bảo tính bình đẳng, công bằng giữa các loại hình cơ sở không phân biệt hình thức sở hữu, chủ thể đầu tư và quản lý.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe y dược cổ truyền đã được mở rộng và phát triển ở tất cả các tuyến. Đối với hệ thống bệnh viện, đến năm 2018, tổng số bệnh viện y học cổ truyền tuyến tỉnh là 58/63 (trong đó có 3 tỉnh có hai bệnh viện, 7 tỉnh chưa có bệnh viện y học cổ truyền).

Hệ thống khoa và tổ y học cổ truyền trong bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cũng tăng lên (năm 2008 là 77,4%, năm 2013 là 84,44%, năm 2017 là 82,3%).

Số giường bệnh cho y học cổ truyền tăng gấp hai lần so với năm 2008, tuy nhiên tỷ lệ giường bệnh cho y học cổ truyền so với tổng số giường bệnh chung của tuyến tỉnh có xu hướng giảm đi.

Tại tuyến y tế cơ sở, công tác y dược cổ truyền dần được củng cố. Đến năm 2017, tỷ lệ các trạm y tế xã triển khai khám chữa bệnh y học cổ truyền tăng 23,99% so với năm 2008.

Tỷ lệ các xã đã triển khai khám chữa bệnh y học cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế đạt 70,18%, các trạm y tế xã có vườn thuốc mẫu đạt 88,87%.

Trong hệ thống chính sách khám chữa bệnh y dược cổ truyền tư nhân, các loại hình dịch vụ y dược cổ truyền khối tư nhân đã đa dạng hơn và không ngừng tăng về số lượng, đa dạng các loại hình như bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, các phòng chẩn trị y học cổ truyền, các cơ sở kinh doanh thuốc thành phẩm y học cổ truyền, cơ sở bán buôn dược liệu…

Công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại tăng ở tất cả các tuyến.

Tuy nhiên, tỷ lệ khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại riêng ở tuyến tỉnh giảm (năm 2008 là 10,68%, giảm còn 8,86% năm 2017). Tỷ lệ này ở các tuyến chưa đạt chỉ tiêu đề ra…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục