Trung Quốc mở 'Con đường Tơ lụa' vào vũ trụ

Nửa thế kỷ trước, Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên, vật thể đầu tiên lên vũ trụ. Và nay, vệ tinh đã trở thành một nhân tố trung tâm trong tham vọng mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng ra toàn cầu và cả vào không gian của Bắc Kinh.

Tên lửa Shijian-13 mang theo vệ tinh liên lạc ChinaSat-16 trong giai đoạn chuẩn bị phóng vào năm 2017. Ảnh: Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc 

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắm tới mục tiêu xây dựng hàng nghìn tỉ USD cơ sở hạ tầng từ khắp châu Á tới châu Phi, châu Âu, và cả dọc theo các tuyến đường biển. Cho đến nay, “Vành đai và Con đường” đã liên quan tới gần 70 quốc gia, ngốn một khoản chi phí (và cả cho vay) khổng lồ từ Trung Quốc, với nhiều dự án đường sắt, cảng, năng lượng, đường cao tốc, và một lĩnh vực mới đang phát triển mạnh mẽ là phóng vệ tinh nhân tạo.

Vệ tinh "made in China"

Ngày 4/5/2018, Trung Quốc phóng tên lửa Trường Chinh 3B mang theo vệ tinh Apstar-6C lên vũ trụ. Vệ tinh này là một phần của Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu  - BDS, mà Trung Quốc dự định sẽ đưa thêm 10 chiếc lên trong năm nay, nhằm phủ sóng vệ tinh cho tất cả các quốc gia trong Dự án Vành đai và Con đường vào cuối năm nay.

Hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu  - GNSS - là nền tảng của hoạt động định vj, dẫn đường cho cả mục đích dân sự và quân sự. Tới nay, chỉ có Mỹ với GPS, Nga với GLONASS, EU với Galileo và Trung Quốc với BDS là sở hữu hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu riêng.

Ý tưởng về một hệ thống định vị vệ tinh của riêng Trung Quốc đã xuất hiện từ thập niên 1980. Dự án BDS chính thức được phát động vào năm 1994 và đi vào hoạt động năm 2000, với hệ thống Bắc Đầu-1 thế hệ thứ nhất. BDS ngày nay đã trở thành một nhân tố quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như với chiến lược "Đi ra toàn cầu" của Trung Quốc.

Tên lửa mang một vệ tinh Bắc Đẩu lên quỹ đạo. Ảnh: Reuters

BDS có thể được xem là một phần của "Con đường Tơ lụa Không gian - SSR" - một khái niệm mới được đưa ra năm 2014 - nhằm tạo ra một hệ thống toàn diện các năng lực không gian bao gồm vệ tinh, dịch vụ phóng, cơ sở hạ tầng mặt tầng, các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ.

Song song với phát triển BDS, Trung Quốc đã đẩy mạnh xuất khẩu các vệ tinh nhân tạo ra thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Không giống như các dự án cơ sở hạ tầng khác, dự án Vành đai và Con đường "ngoài hành tinh" quảng bá cho quá trình phát triển công nghệ cao của Trung Quốc. Nhiều công ty của Trung Quốc, cả nhà nước lẫn tư nhân, đang tích cực quảng bá cho hoạt động phóng vệ tinh và các hoạt động đầu tư liên quan nhằm bán các vệ tinh "made in China" tới những nước đang liên quan tới sáng kiến Vành đai và Con đường.

Đầu năm 2018 này, nhà sản xuất vệ tinh thuộc sở hữu Nhà nước, Tập đoàn Công nghiệp Vạn lý trường thành Trung Quốc  - CGWIC đã ký hợp đồng cho phép Nigeria mua hai vệ tinh viễn thông của nước này, với nguồn tài chính do Trung Quốc cho vay để đổi lấy cổ phần. CGWIC cũng phóng vệ tinh viễn thông cho các quốc gia tham gia BRI khác như Lào và Pakistan. Hồi tháng 5, CGWIC từng giúp phóng một vệ tinh cho hãng APT Satellite có trụ sở tại Hong Kong nhằm cung cấp dịch vụ viễn thông và băng thông cho các quốc gia BRI như Mông Cổ, Myanmar.

Đồ hoạ vệ tinh nhân tạo của Trung Quốc.

Trung Quốc công khai tuyên bố muốn sử dụng vệ tinh viễn thông, định vị, cảm biến từ xa để xây dựng “một hành lang thông tin vũ trụ Vành đai và Con đường”. Kế hoạch này nhằm mở rộng mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu và được coi là “câu trả lời” trước Hệ thống định vị toàn cầu Mỹ (GPS), cũng như cổ vũ cho xuất khẩu điện thoại di động dựa trên hệ thống định vị Bắc Đẩu. Hệ thống này đã phủ sóng khắp 30 quốc gia và hiện đã được các smartphone của các nhà xuất khẩu điện thoại Trung Quốc lớn như Huawei và Xiaomi sử dụng.

Các công ty tư nhân cũng đang tìm kiếm cơ hội thông qua BRI. Hơn 60 công ty tư nhân Trung Quốc đã bước vào ngành kinh doanh vũ trụ Trung Quốc kể từ năm 2015 khi Chính phủ bắt đầu khuyến khích đầu tư tư nhân trong ngành công nghiệp vốn do nhà nước kiểm soát này. Trong số này có công ty sản xuất phần mềm Tatwah Smartech. Tatwah đầu tư vào ngành viễn thông bằng cách mua lại các nhà điều hành vệ tinh. Quảng bá là kinh doanh dịch vụ cho BRI, Tatwah đã mua lại hai công ty ở châu Á, trong đó có nhà điều hành vệ tinh duy nhất của Sri Lanka vào đầu năm 2018 và một công ty vệ tinh Malaysia vào năm 2017.

Video Trung Quốc phóng vệ tinh nhân tạo kép tham gia Hệ thống Bắc Đẩu vào tháng 3/2018:



Mối lo núi nợ và ảnh hưởng chính trị

Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong việc sử dụng công nghệ không gian trên toàn cầu cũng trở thành một mối lo ngại về an ninh với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.

Trước đây, những quốc gia như Hàn Quốc đã giúp đào tạo kỹ sư chế tạo vệ tinh tại các nước đang phát triển. Nga và Mỹ cũng giúp phóng vệ tinh tại Nam Phi. Nhưng tầm nhìn của kế hoạch "Vành đai và Con đường vũ trụ" Trung Quốc lại khác. Trong lúc Bắc Kinh tăng cường chào mời dịch vụ này tới những nước khác, họ cũng tăng cường ảnh hưởng chính trị bằng cách kiểm soát hiệu quả một trong những phương tiện để quốc gia đó truy cập internet.

Lợi ích dài hạn là các chính phủ nước ngoài sẽ lệ thuộc vào Trung Quốc về hạ tầng internet. Thậm chí, giới chuyên gia còn lo ngại Bắc Kinh có "cửa sau" vào hệ thống internet của các quốc gia sử dụng hệ thống vệ tinh này.

Mô hình hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của Trung Quốc. Ảnh: AP

Việc Trung Quốc phát triển dự án vệ tinh Bắc Đẩu cùng với cung cấp dịch vụ vệ tinh và định vị cho các nước BRI, cũng có thể gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của những nước này trong quá trình họ cải tiến năng lực định vị cũng như các loại vũ khí sử dụng hệ thống này.

Chưa hết, với những quốc gia sử dụng công nghệ của Trung Quốc, vệ tinh có thể trở thành một con đường khác để gia tăng núi nợ, đặc biệt là với những nước đã lệ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ Trung Quốc cho đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tàu ngầm Mỹ dùng tên lửa hành trình 'bắn' thư từ giúp Bưu điện
Tàu ngầm Mỹ dùng tên lửa hành trình 'bắn' thư từ giúp Bưu điện

Vào ngày 8/6/1959, Cục bưu chính Mỹ, phối hợp với Hải quân, đã phóng đi một quả tên lửa hành trình chất đầy thứ mà họ đặt tên là “thư tên lửa”!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN