Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế

Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra kết luận liên quan đến vụ AVG, dự thảo Luật Đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt là những vấn đề thu hút sự chú ý đặc biệt trong tuần qua.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trả lời về kết luận liên quan đến vụ AVG
Ngày 2/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp 26, nêu rõ những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng chí Nguyễn Bắc Son, đồng chí Trương Minh Tuấn, đồng chí Phạm Đình Trọng; của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Mobifone và các đồng chí Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là rất nghiêm trọng; vi phạm của đồng chí Phạm Hồng Hải là nghiêm trọng, đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của Tổng công ty Mobifone.

Chiều tối cùng ngày, tại Họp báo Chính phủ, báo chí đã đề cập đến văn bản phản bác của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kết luận thanh tra số 355/KL-TTCP cho rằng vụ việc này không gây thất thoát tài sản.

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, về nguyên tắc, khi có kết luận thanh tra, cơ quan đối tượng thanh tra có quyền, có văn bản kiến nghị giải trình.

“Trong lúc đó, Bộ quan niệm AVG và Mobifone đã có thỏa thuận là sẽ hoàn trả lại toàn bộ tiền trước đây Mobifone đã bỏ ra mua các cổ phần chuyển nhượng của AVG và cam kết trả lãi theo quy định, quan điểm của Bộ cho rằng như vậy không thất thoát,” ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.

"Tuy nhiên khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận như vậy, quan điểm của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ là sẽ tuân thủ, thực hiện nghiêm kết luận của đoàn thanh tra cũng như đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương," ông Hoàng Vĩnh Bảo nói.

Đối với câu hỏi về việc Bộ Công an đã có trao đổi gì với Bộ Thông tin-Truyền thông về diễn tiến tiếp theo của vụ việc, Thứ trưởng này cho biết đến nay chưa có thông tin gì và đề nghị phóng viên hỏi Bộ Công an sẽ chính xác hơn.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản
Từ ngày 29/5 đến ngày 2/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản.

Năm 2018, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, có sự tin cậy cao.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới Nhật Bản khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; tăng cường quan hệ gần gũi và sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản - Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Trong thời gian chuyến thăm, Nhà Vua và Hoàng hậu đã long trọng tổ chức Lễ đón và Quốc yến chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Ngài Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản; gặp gỡ lãnh đạo các giới chính trị, kinh tế Nhật Bản; tham dự và phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam và đi thăm tỉnh Gunma.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, các nhà lãnh đạo hai nước bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh, thực chất và toàn diện của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong 45 năm qua.

Hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế theo tinh thần hai bên cùng có lợi.

Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực…

Hai nước trao đổi bốn văn kiện ký kết, bao gồm: Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cấp học bổng phát triển nhân lực trị giá 745 triệu yen (tương đương 6,77 triệu USD); Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở (SPR) tại Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 1,96 tỷ yen (tương đương 17,8 triệu USD); Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên nước, đo đạc, bản đồ, thông tin không gian địa lý, khí tượng thủy văn và viễn thám ký giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản; Biên bản Hợp tác về xây dựng và phát triển đô thị (giai đoạn 2018-2021) ký giữa Bộ Xây dựng của Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 2Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu chủ trì Lễ đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Nhiều hoạt động mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562
Sáng 29/5, Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562 đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Dự lễ có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; đại diện một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương…

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và chúc mừng tại một số cơ sở Phật giáo tiêu biểu ở Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm Hòa thượng Dương Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Tại Việt Nam Quốc tự Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562; Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đến thăm, chúc mừng một số cơ sở Phật giáo tiêu biểu trên địa bàn thành phố…

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiều tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, An Giang, Ninh Thuận, Hậu Giang, Bình Dương… cũng tổ chức đại lễ Phật Đản Phật lịch 2562; Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố cũng tổ chức đến thăm, tặng quà và chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo và các chức sắc Phật giáo ở các địa phương trong tỉnh.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 3Đông đảo tăng ni, phật tử của TP.HCM tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2562. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)
Khánh thành Bệnh viện nhi hiện đại nhất Việt Nam
Ngày 1/6, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, tại số 15, đường Võ Trần Chí, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được khánh thành sau 4 năm xây dựng từ nguồn vốn ngân sách của Trung ương.

Với kinh phí 4.500 tỷ đồng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích sàn xây dựng hơn 12.000m2 gồm một tầng hầm và 8 tầng nổi với 1.000 giường bệnh. Bệnh viện có 10 phòng chức năng, 39 khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh được định hướng tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong nhi khoa đầu tiên tại Việt Nam, trang bị nhiều thiết bị hiện đại như máy Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO), phòng mổ Hybride cho phẫu thuật tim mạch, hệ thống kính vi phẫu, thiết bị định vị thần kinh, máy Cộng hưởng từ (MRI), máy Chụp cắt lớp điện toán (CT scan) hiện đại 256 lát cắt. Với ngành ung bướu nhi, lần đầu tiên một bệnh viện nhi được xây dựng khoa y học hạt nhân và khoa xạ trị dành riêng cho trẻ em…

Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tin tưởng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là bệnh viện chuyên khoa Nhi hiện đại đầu tiên của Việt Nam sánh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 4Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày khánh thành. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Sách “Hoàng Hoa sứ trình đồ” được công nhận là di sản tư liệu thế giới
Ngày 30/5, tại Gwangju, Hàn Quốc, cuốn sách cổ “Hoàng Hoa sứ trình đồ” của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh sách các Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO.

Đây là cuốn sách của dòng họ Nguyễn Huy (xã Trường Lộc, Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được sao chép lại năm 1887 từ bản gốc của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.

Cuốn sách miêu tả việc đi sứ của sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa, với phần chính là bản đồ ghi chép bằng nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của Sứ bộ Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) biên tập, hiệu đính và chú thích trong các năm 1765-1768, từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết liên quan đến chuyến đi năm 1766 -1767 do ông làm Chánh sứ.

“Hoàng Hoa sứ trình đồ” được các nước đánh giá cao, là một hồ sơ quý hiếm nói về quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ thứ 18, đóng góp vào việc duy trì nền hòa bình giữa các dân tộc trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 7 di sản tư liệu thế giới là: Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009), Bia Đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (được công nhận năm 2011), Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (được công nhận năm 2012), Châu bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang (hay còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) đều được công nhận năm 2016.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 5Một trang của cuốn sách. (Ảnh: Thu Phương/Vietnam+)
Các đặc khu kinh tế được kỳ vọng là những cực tăng trưởng mới
Theo dự kiến, dự thảo Luật Đơn vị hành chính-Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ năm, Khóa XIV.

Đây là lần đầu tiên, đạo luật được xây dựng cho ra đời chính thức 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở 3 miền: Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang.

Các đặc khu này được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế; đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc Việt Nam phát triển 3 đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đã thể hiện sự nhất quán, quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với mô hình này.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 6Hải sản đánh bắt được tập kết tại bến cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, để mang đi tiêu thụ. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Tàu Hải quân Pháp và Hải quân Nga cập cảng Việt Nam
Ngày 1/6, đoàn tàu của Hải quân Cộng hòa Pháp gồm tàu chỉ huy và đổ bộ Dixmude do Đại tá Hải quân Jaen Porcher chỉ huy cùng tàu hộ tống Surcouf do Trung tá Christine Ribbe chỉ huy, với tổng số 713 sỹ quan, thủy thủ, bắt đầu chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 ngày.

Trong thời gian chuyến thăm, nhóm chỉ huy tàu đến chào xã giao lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng 2 Hải quân và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài các hoạt động giao lưu giữa Hải quân hai nước và tiến hành hoạt động luyện tập chung, hai bên sẽ tiến hành trao đổi kinh nghiệm về một số lĩnh vực cùng quan tâm.


Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 7Tàu hộ tống Surcouf do Trung tá Christine Ribbe chỉ huy cập cảng Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 1/6. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Vụ thất thoát 6.300 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín: Tuyên án 28 bị cáo
Sau gần 1 tháng xét xử, chiều 31/5, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra phán quyết về vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín, nay là Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB).

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng."

Tổng hợp với 17 năm tù của bản án trong vụ án kinh tế tại Ocenbank ngày 4/5/2018 của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, buộc bị cáo Hứa Thị Phấn chấp hành hình phạt là 30 năm tù giam.

Cũng với hai tội danh trên, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Kim Loan (nguyên kế toán Công ty Phú Mỹ, thư ký của Hứa Thị Phấn) 28 năm tù; Ngô Kim Huệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) 10 năm tù.

Các bị cáo Ngô Thị Ngân (nguyên Thủ quỹ chính Ngân hàng) nhận mức án 10 năm tù; Hoàng Văn Toàn (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng) 7 năm tù; Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng) 6 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận mức án thấp nhất là 2 năm tù treo đến cao nhất là 6 năm tù giam.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử nhận định toàn bộ số tiền thiệt hại, Hứa Thị Phấn đã sử dụng hết nên buộc Hứa Thị Phấn bồi thường toàn bộ thiệt hại là hơn 6.362 tỷ đồng cho Ngân hàng CB. Các bị cáo còn lại, một số liên đới bồi thường những khoản có liên quan.

Sự kiện trong nước 28/5-3/6: AVG và luật về đặc khu kinh tế ảnh 8Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên tòa, chiều 31/5. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục