Để trẻ em an toàn khi tham gia mạng

Sự phát triển của internet là nguồn “tài nguyên” cho trẻ có thể “vẫy vùng” tìm kiếm thông tin, mở rộng hiểu biết, tương tác… Nhưng đây là con dao hai lưỡi,khi trẻ chưa biết tự chủ bảo vệ mình khi tham gia mạng xã hội thì sẽ mang đến những hệ luỵ khôn lường.

Bài 1: Con dao hai lưỡi


Ngày nay, trẻ em Việt Nam dưới 16 tuổi dễ dàng biết sử dụng những thiết bị công nghệ số. Trong thế giới mạng internet, trẻ em có nhiều cơ hội, học tập, giao tiếp, kết nối và giải trí. Tuy nhiên, đi cùng với mặt tích cực có rất nhiều hệ luỵ đi kèm.


Tự tử vì mâu thuẫn trên mạng xã hội


TS BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các loại stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Tuần vừa qua, tôi tiếp một bệnh nhân đang độ tuổi học cấp II sống ở ngoại thành Hà Nội. Cháu được đưa đến trong tình trạng vừa trải qua vụ tự tử hụt do mâu thuẫn trên mạng xã hội facebook. Rất may, dây thắt cổ tự tử của cháu mỏng, bị đứt nên cháu còn sống. Khi gia đình phát hiện ra thì cháu đã nằm dưới đất, bất tỉnh. Quá trình thăm khám cho thấy, nguyên nhân khiến cháu tự tử bắt nguồn từ mâu thuẫn với một nhóm bạn ảo trên facebook. Từ đó, cháu luôn trong trạng thái buồn chán, mệt mỏi, không chia sẻ được với ai nên đã tìm cách tự sát. Khi tôi hỏi gia đình có biết những biểu hiện bất thường của cháu trong thời gian gần đây không, họ đều nói là không biết gì. Họ nói chỉ biết nguyên nhân sau khi con tự sát hụt”. 


Ngoài việc mâu thuẫn với bạn bè ảo, học sinh này có kết quả học tập giảm sút, ít quan hệ với bạn bè trong lớp. Đây là một trong hàng trăm ca liên quan đến dùng mạng xã hội của thanh thiếu niên và tác động không nhỏ đến sức khỏe, tinh thần. Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông thì Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Điều đáng nói là hơn 1/3 trong số hơn 50 triệu người dùng internet ở nước ta là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi từ 15-24 tuổi. Trẻ em học cách dùng internet từ: 68% tự học, 17% từ bạn bè, 11% từ nhà trường, 2% từ cha mẹ, 2% khác. Các hoạt động của trẻ em trên mạng internet: Chia sẻ dữ liệu, Giao tiếp, Sử dụng mạng xã hội, Giao dịch trực tuyến, Chơi trò chơi trực tuyến, tạo nội dung số. 

Trường hợp hai nữ sinh bị ghép ảnh đi kèm với tin đồn thất thiệt ở Tánh Linh. Ảnh: Chụp màn hình.

Bên cạnh vô vàn các cơ hội cho sự phát triển của trẻ em thì là những nguy cơ ngày càng đa dạng, khó lường. Nhận định về thực tế này, bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quản lý và Phát triển bền vững (MSD) cho biết: “Trước kia chúng ta nghĩ trẻ em chỉ gặp rủi ro trên đường hay trường học, về nhà là đóng cửa là an toàn. Nhưng ngày nay mạng internet len lỏi tới mỗi gia đình, đặc biệt các gia đình sống ở thị xã, thành phố. Chỉ cần 1 máy tính, điện thoại có kết nối internet, trẻ em có thể tiếp cận đủ mọi loại thông tin. Tuy nhiên, mạng ảo nhưng những rủi ro đều là rất thật. Trẻ em mỗi lần lên mạng sẽ đối mặt với các nguy cơ về mất an toàn thông tin, nguy cơ bị lừa đảo, bắt nạt, bắt cóc, xâm hại tình dục…


Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển bền vững (MSD), trẻ em Việt Nam sử dụng internet từ rất sớm, từ 2-3 tuổi đã chăm chú vào các thiết bị máy tính bảng, điện thoại để xem Youtube hay trò chơi điện tử. Bố mẹ để cho internet làm các công việc như: trông hộ con, giúp con ăn và khiến các bé "nghiện". Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất của trẻ mà còn làm trẻ kém vận động, dễ mắc các bệnh về mắt. Lớn hơn một chút, trẻ có nguy cơ kém giao tiếp, tiếp cận sớm với những trang mạng khiêu dâm, lừa đảo.


Thậm chí, việc trẻ em tham gia mạng xã hội không làm chủ được bản thân đã gây ra những hậu quả khó lường. Theo Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, những năm trước đây, Viện tiếp nhận mỗi ngày trung bình 200 bệnh nhân là trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện trầm cảm, rối nhiễu tâm lý… có nguyên nhân từ internet, mạng xã hội. Đến nay, số lượng tăng lên 300 bệnh nhân/ngày. Việc trẻ tham gia vào internet, mạng xã hội sẽ thay đổi tính cách trẻ, gây nên các bệnh về tâm thần khá nặng, thậm chí dẫn đến tự tử vì những mâu thuẫn ảo.


Bà Nguyễn Phương Linh cho biết: “Trường hợp khá phổ biến với trẻ em sử dụng mạng xã hội là bị xâm phạm thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư và dễ là nạn nhân của thông tin sai lệch hay bị bắt nạt trên mạng. Nhiều trẻ em khi còn nhỏ chụp những bức ảnh riêng tư chia sẻ lên mạng đã bị những kẻ xấu chia sẻ ảnh với những lời lẽ không phù hợp. Các em đã trở thành nạn nhân bị bắt nạt, biêu riếu trên mạng. Đa số các em trong đó đã bị khủng hoảng và phải điều trị trầm cảm. Ảnh của các em còn bị đăng tải trên các trang mạng khiêu dâm đi kèm với thông tin sai lệch”.


Trước đó trên mạng xã hội facebook đăng tin “hai cô gái bị bắt vì hiếp dâm” đi kèm với hình ảnh hai nữ sinh. Theo đó, hai cô gái trong ảnh đã bị công an Bình Thuận bắt do hiếp dâm một nam thanh niên làm anh này tử vong. Sự việc đã được công an huyện Tánh Linh, Bình Thuận khẳng định rằng thông tin lan truyền trên facebook là không có thật. Theo ghi nhận, nạn nhân nói rằng ai đó đã cố tình lấy ảnh của cô đã đăng tải trên trang cá nhân facebook và cắt ghép đi kèm với thông tin bịa đặt. Sự việc diễn ra khiến hai cô gái này không dám ra ngoài và không tập trung được vào việc học, thậm chí nghĩ đến tự tử. Một trong hai nhân vật bức ảnh kể rằng, trước khi xuất hiện tin “bị bắt vì hiếp dâm”, cô có vào một liên kết không rõ nguồn để đọc tin tức. Sáng hôm sau cô được nhiều bạn bè thông báo về việc này. Đến nay đã tròn 1 năm diễn ra sự việc, hai cô gái này đã tự động gỡ bỏ tài khoản facebook cũ.


Song song với những chia sẻ về hình ảnh, clip về đời tư lên mạng là những nguy cơ từ trò chơi trên mạng xã hội, internet cũng đưa trẻ em vào vòng nguy hiểm. Các chuyên gia tâm lý, giáo dục, bác sĩ chuyên khoa đều khẳng định, những nguy cơ thấy rõ nhất với trẻ em là game và những trò chơi mang tính toàn cầu nhưng vào Việt Nam đã bị biến tướng. Cụ thể, trò chơi "Cá voi xanh" - trò chơi trực tuyến lan truyền trên các mạng xã hội và các diễn đàn để kích động trẻ em tự tử. Một trò chơi khác là thách thức đếm “like” (lượt thích trên facebook) để tự tử. Những hành vi này liên tục được các em tuổi teen kích động. Dù tại Việt Nam chưa ghi nhận những ca tử vong nào do các trò chơi này mang lại nhưng trên trên thế giới đã có hàng chục trẻ em kết thúc bằng chuyện tự tử.


Trẻ em được trao quyền


Trẻ em có quyền sử dụng internet và mạng xã hội ở độ tuổi phù hợp, điều này đã được Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và Luật trẻ em của Việt Nam 2016 quy định. Đặc biệt Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em là tạo điều kiện cho trẻ em được hưởng các lợi ích từ internet.


Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá: “Trong quá trình nghiên cứu trình Quốc hội, Chính phủ thông qua Luật trẻ em thì việc xác định trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu kỹ lưỡng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ thông qua nghị định 56 năm 2017 với những nội dung liên quan bảo vệ trẻ em, trong đó có trách nhiệm bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng”.


“Thứ nhất, về hành lang pháp lý quy định những yếu tố quy định về bí mật đời sống riêng tư, bí mật đời sống cá nhân của các em; Thứ hai,quy định trách nhiệm trong việc các cơ quan quản lý nhà nước quản lý lĩnh vực trẻ em, về thông tin trẻ em, về giáo dục, về quản lý mạng công nghệ cao bảo vệ trẻ em; Thứ ba, quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có trách nhiệm thông báo trang web an toàn cho trẻ em. Đặc biệt, Nghị định số 56 của Chính phủ quy định các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng, dịch vụ trên môi trường mạng gỡ bỏ thông tin không phù hợp khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền”, bà Nguyễn Thị Nga cho biết.


Mặc dù, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các đơn vi bảo vệ quyền trẻ em đã có những hoạt động tích cực, nhưng trẻ em vẫn luôn bị những nguy cơ tiềm ẩn từ mạng internet.


TS BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các loại stress, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai:




Bài 2: Dù có dây an toàn nhưng trẻ vẫn gặp nguy hiểm
Lê Vân- Lê Phú/Báo Tin tức
Không cấm người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội
Không cấm người dân bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội

Bộ Công an khẳng định, việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng xã hội không vi phạm các quy định của pháp luật là hoàn toàn hợp pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN