Báo động mua bán trực tuyến sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã

Quỹ quốc tế về bảo vệ động vật đưa ra cảnh báo về tình trạng sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng được rao bán công khai trên mạng, dù là việc làm phi pháp.
Báo động mua bán trực tuyến sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã ảnh 1Nhân viên Cục bảo vệ động vật hoang dã Kenya kiểm tra số ngà voi tịch thu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

"Internet đã làm biến đổi kinh tế toàn cầu, và cùng với đó hoạt động kinh doanh động vật hoang dã phi pháp cũng biến đổi." Giám đốc phụ trách tội phạm liên quan đến động vật hoang dã của Quỹ quốc tế về bảo vệ động vật (IFAW), ông Rikkert Reijnen đã đưa ra nhận định trên để cảnh báo về tình trạng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng được rao bán công khai trên mạng, bất chấp đây là việc làm phi pháp.

Kết quả điều tra do các chuyên gia thuộc IFAW tiến hành trong 6 tuần với các dữ liệu internet thu thập từ 4 nước gồm Nga, Pháp, Đức và Anh, cho thấy có tổng cộng 11.772 sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã hoặc cả các cá thể động vật hoang dã được rao bán công khai trong 5.381 mục quảng cáo trên 106 trang web và các diễn đàn xã hội, với tổng giá trị ước tính lên tới 4 triệu USD.

[16 tổ chức kêu gọi xét xử nghiêm minh "trùm" buôn lậu sừng tê giác]

4/5 các sản phẩm trong số đó có nguồn gốc từ động vật đang sinh sống trên thế giới, bao gồm các loại rùa sông, biển (45%), chim các loại (24%) và động vật có vú (5%).

Ngoài ra, trên thị trường chợ đen còn xuất hiện các loại động vật lớp bò sát quý hiếm như rắn, thằn lằn, cá sấu châu Mỹ.

Trong khi đó, thị trường buôn bán động vật có vú khá "đa dạng," từ sừng tê giác, lông báo, chiếc bàn làm từ chân voi... đến một đàn thú gồm các loại quý hiếm bị bẫy ở những nơi hoang dã hoặc được nuôi nhốt.

Theo giới chức của IFAW, Công ước về thương mại quốc tế đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng cho phép mua bán một số loài, song 80%-90% rao bán nói trên là phi pháp. Hầu hết người bán liên quan đến các tổ chức tội phạm và biết rõ đây là hành động phạm pháp, tuy nhiên những người mua có thể thiếu hiểu biết về vấn đề này.

Trước thực trạng trên, IFAW đã hoan nghênh nỗ lực của nhiều kênh buôn bán trực tuyến, trong đó có e-Bay trong cuộc chiến chống hoạt động buôn bán động vật hoang dã phi pháp khi doanh nghiệp này chủ động đào tạo nhân viên chống giao dịch mua bán động vật hoang dã.

IFAW - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Mỹ - đã gửi kết quả điều tra nói trên tới nhà chức trách trong nước và quốc tế, cảnh báo cộng đồng quốc tế cần nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục