Bắc Ninh giải quyết khó khăn giải ngân vốn đầu tư công trình giao thông

17:07' - 08/06/2023
BNEWS Ngày 8/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng làm việc với các sở, ngành và địa phương về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh được phân bổ và sử dụng 2.545,4 tỷ đồng cho 21 dự án. Đến nay, giá trị giải ngân là 395,3 tỷ đồng, đạt hơn 15% kế hoạch.

 

Khó khăn, vướng mắc đối với các dự án chuyển tiếp là việc giải phóng mặt bằng, đơn giá vật liệu (cát, đá) tăng cao; đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, khởi công mới do vướng mắc thủ tục pháp lý sẽ chờ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.

Thời gian tới, Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông sẽ tiếp tục đôn đốc đẩy nhanh tiến độ một số dự án theo đúng kế hoạch.

Theo đó, dự án Cầu Phật Tích - Đại Đồng Thành; dự án đường dẫn phía Bắc; dự án ĐT.278 đoạn qua Quốc lộ 18,38 sẽ cần được các đơn vị hữu quan phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công; hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với các dự án còn vướng mắc đến khi có ý kiến của Chính phủ, Quốc hội phê duyệt làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; khởi công các dự án đủ điều kiện thực hiện trong quý II/2023.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng, Tổ trưởng Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ về giải phóng mặt bằng, chủ động theo thẩm quyền giải quyết công việc hiệu quả, bảo đảm đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Liên quan đến đất tái định cư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần xác định vị trí phù hợp, theo hướng khu tái định cư phải có lợi hơn hoặc ngang bằng với vị trí đất ở cũ bị thu hồi, nhằm tạo đồng thuận của người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng xây dựng các dự án.
Liên quan đến nguồn gốc lịch sử đất đai cần vận dụng tối đa chính sách đền bù, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ và theo đúng quy định của pháp luật. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh rà soát, thống kê nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền có cơ chế đền bù, hỗ trợ khác, tạo sự đồng thuận của người dân trong đền bù giải phóng mặt bằng; trong đó, lưu ý tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội theo đúng thời gian Quốc hội, Chính phủ giao và lập biên bản ký kết giữa 3 tỉnh là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục