Giá dầu Brent có thể lên ngưỡng 100 USD mỗi thùng vào cuối năm 2023

Nhà phân tích tại Ngân hàng Commonwealth của Australia tin rằng giá dầu Brent sẽ tăng lên 85 USD/thùng vào quý 4 năm 2023, bất chấp nhu cầu về dầu của Trung Quốc phục hồi yếu.
Giá dầu Brent có thể lên ngưỡng 100 USD mỗi thùng vào cuối năm 2023 ảnh 1Bể chứa dầu tại cảng dầu Brega, cách thành phố Benghazi của Libya 270km về phía Tây. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu Brent có khả năng lên ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm nay, theo các nhà phân tích.

Việc Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm mạnh sản lượng dầu thô vào tháng Bảy sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu trở nên trầm trọng hơn trong quý 3 năm nay.

Giá dầu thế giới đã tăng hơn 1USD/thùng vào sáng 5/6, khi các nhà đầu từ phản ứng với thông tin liên quan tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, bao gồm cả thông báo cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia.

Trong phiên giao dịch sáng 5/6, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,51 USD (2%) lên 77,64 USD/thùng sau khi có lúc vọt lên 78,73 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,41 USD (2%) lên 73,15 USD/thùng, sau khi chạm mức cao 75,06 USD/thùng.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Arabia Abdulaziz bin Salman tuyên bố quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới này sẽ giảm sản lượng từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng Năm xuống còn 9 triệu thùng/ngày vào tháng Bảy - mức giảm lớn nhất trong nhiều năm qua.

Saudi Arabia có thể tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu nước này thấy cần thiết.

Chuyên gia Helima Croft của Quỹ RBC Capital nhận định mức cắt giảm trên của Saudi Arabia cao gần gấp đôi so với mức giảm thực tế kể từ tháng 10 năm ngoái, thông tin này khiến các nguồn cung ngay lập tức bị thắt chặt và sàn giá dầu Brent được thiết lập ở mức 70 USD/thùng.

Sẽ cần thêm thời gian để giá dầu tăng lên một ngưỡng cao mới, sau khi sản lượng dầu tồn kho hạ xuống.

[Giá dầu châu Á tăng 2% sau thông báo giảm sản lượng của Saudi Arabia]

Động thái của Saudi Arabia diễn ra giữa lúc OPEC+ có thỏa thuận hạn chế nguồn cung vào năm 2024 để thúc đẩy giá dầu. OPEC+ hiện cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô của thế giới và liên minh này đã cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày - tương đương 3,6% nhu cầu toàn cầu.

Giá dầu Brent dự kiến sẽ tăng lên 85 USD/thùng vào quý 4 tới, bất chấp nhu cầu về dầu của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới - phục hồi yếu, theo nhà phân tích Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth của Australia.

Theo các chuyên gia Daan Struyven và Callum Bruce của Goldman Sachs, các nhà lãnh đạo OPEC+ đã quyết định điều chỉnh nguồn cung dầu ở mức vừa phải, phần nào bù đắp một số rủi ro giảm giá đối với dự báo giá dầu vào tháng 12/2023 là 95 USD/thùng mà ngân hàng này đã đưa ra trước đó.

Sự điều chỉnh này đã tính tới cả yếu tố nguồn cung mạnh hơn dự kiến từ Nga, Iran và Venezuela và nhu cầu của Trung Quốc cao hơn so với dự kiến.

Giá dầu có thể sẽ tăng mạnh nhờ sự hậu thuẫn của OPEC và Saudi Arabia - theo các nhà phân tích Daniel Hynes và Soni Kumari của ngân hàng Australia và New Zealand (ANZ). Tuy nhiên, mức tăng có thể bị hạn chế trong thời gian ngắn cho đến khi xuất hiện rõ dấu hiệu thắt chặt trên thị trường dầu.

Vài ngày trước, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, Jorge Leon, nhận định tác động của giá dầu cao hơn đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ đè nặng tâm lý của các bộ trưởng OPEC+. “Giá dầu tăng sẽ làm gia tăng thêm lạm phát ở phương Tây và khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất, động thái bất lợi cho nền kinh tế toàn cầu cũng như nhu cầu dầu mỏ."

Giá dầu Brent có thể lên ngưỡng 100 USD mỗi thùng vào cuối năm 2023 ảnh 2Cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Năng lượng Saudi Aramco ở Dammam (Saudi Arabia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu Brent đã giảm khoảng 15% từ đầu năm đến nay, do tăng trưởng kinh tế yếu tại các quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc kéo lùi triển vọng về nhu cầu nhiên liệu.

Việc kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng bộ và lo ngại về nguy cơ vỡ nợ công ở Mỹ thời gian qua đã đè nặng áp lực lên giá dầu, bất chấp quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện hồi tháng Tư của OPEC+.

Theo Energy Aspects, phục hồi không đồng bộ của kinh tế Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ thế giới.

Đầu tháng này, giá dầu thô giao kỳ hạn đã có phiên phục hồi trong bối cảnh thị trường lạc quan về thỏa thuận trần nợ của Mỹ.

Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại The PRICE Futures Group, sự lạc quan về thỏa thuận trần nợ dường như cho phép thị trường dầu mỏ đứng vững. Những hy vọng về việc Mỹ tránh được tình trạng vỡ nợ đã giúp thị trường không chú ý đếnnguồn cung dầu thô của nước này tăng mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục