Cafe đầu tuần: Cầm đội tuyển, ông Troussier sẽ kể câu chuyện gì?

05/06/2023 10:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

Năm 1993, huyền thoại Michael Jordan, người đang chuẩn bị giành chức vô địch giải bóng rổ nhà nghề Mỹ lần thứ ba liên tiếp cùng với Chicago Bulls, kể lại một câu chuyện rất hấp dẫn với cánh báo chí, về việc anh đã dằn mặt một đối thủ hạng xoàng ra sao.

Trong giai đoạn hai của mùa giải, Chicago Bulls gặp Washington Bullets hai trận liên tiếp. Mặc dù Chicago đã thắng cả hai, nhưng Michael Jordan không hài lòng với màn trình diễn của mình trong trận đầu tiên.

Câu chuyện bịa đặt của Michael Jordan

Jordan đối đầu với LaBradford Smith, một cầu thủ rất xoàng xĩnh. Anh này thường xuyên chỉ chơi dự bị cho Washington vào năm 1991. Smith không thể bén gót MJ cả về danh tiếng lẫn trình độ. Thực tế thì trong toàn bộ sự nghiệp, anh chưa bao giờ được vào đội hình chính ở Washington lẫn Sacramento Kings.

Nhưng số phận đã khiến anh nổi tiếng bất đắc dĩ. Trong trận đấu đầu tiên giữa họ, Smith có một màn trình diễn ấn tượng mặc dù bị Jordan theo sát. Smith đã ghi được 37 điểm trong trận ấy, thành tích cao chưa từng có trong sự nghiệp của anh, và khiến MJ cảm thấy nóng mắt.

Jordan kể lại với báo giới sau trận rằng Smith, đã ghi được trung bình 9,3 điểm/trận trong mùa giải đó, đã sang cà khịa anh khi trận đấu kết thúc: "Chơi khá đấy, Mike". Trong lần thứ hai chạm trán, số 23 đã cho mọi người thấy rằng anh không để cho một cầu thủ dự bị làm khó được mình: MJ ghi được 47 điểm để dẫn Bulls đến chiến thắng áp đảo.

Báo chí tin MJ sái cổ, và lan truyền nó thành một huyền thoại rằng đừng ai giỡn mặt MJ, vì anh là người hiếu thắng đến cỡ nào. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc hơn nữa về sự hiếu thắng của Jordan chính là việc anh đã… bịa chuyện.

Nhiều năm sau đó, Jordan thừa nhận rằng anh đã "mông má" câu chuyện để thúc đẩy bản thân chơi tốt hơn trong các trận đấu. Smith không bao giờ tiếp cận MJ sau khi ghi được 37 điểm, tất cả đều là do MJ tự tưởng tượng ra.

Sau đó, LaBradford chơi nốt một mùa giải NBA nữa trước khi bắt đầu sự nghiệp bóng rổ của mình ở nước ngoài. Trong khi đó, Jordan đã giành thêm ba chức vô địch NBA trước khi tuyên bố giải nghệ. LaBradford, một cầu thủ có sự nghiệp tầm thường, đã trở nên nổi tiếng sau một câu chuyện "tự kỷ ám thị" của Michael Jordan.

Tập bảy của serie nổi tiếng về Jordan có tên The Last Dance (Mùa giải cuối cùng) đã giải mã lý do vì sao anh có thể làm một chuyện kỳ lạ đến thế. Khi trả lời câu hỏi rằng liệu Jordan có phải là "người tốt" không, anh tuyên bố: "Chiến thắng có cái giá của nó. Lãnh đạo có cái giá của nó. Tôi đã kéo lê những người khi họ không muốn bị lôi theo. Tôi đã thách thức người khác ngay cả khi họ không muốn gây sự".

Jordan đã gây gổ với các đồng đội khi tập luyện, và thậm chí tưởng tượng ra một câu chuyện chỉ để nhắm đến một mục tiêu: Chiến thắng. Jordan tự viết ra cuộc đời mình theo cách này, và trở thành vận động viên vĩ đại trong lịch sử nhờ cách này.

Cafe đầu tuần: Cầm đội tuyển, ông Troussier sẽ kể câu chuyện gì? - Ảnh 1.

HLV Philippe Troussier phải làm rất nhiều việc để nâng cao sự tự tin cho các cầu thủ ĐTQG

 Không thể chỉ có "hài lòng"

Sau khi U22 Việt Nam thua U22 Indonesia đáng tiếc dù chơi hơn người trong gần nửa tiếng đồng hồ, HLV Philippe Troussier vẫn tuyên bố rằng ông hoàn toàn hài lòng với cách thể hiện của các cầu thủ, và đánh giá rằng đây là một tập thể trẻ có tương lai.

"Hài lòng" cũng là từ cửa miệng của ông trong các buổi họp báo, trong các trận… hòa và thua của đội U22 (trước đó là trận hòa Thái Lan). Ông nhấn mạnh rằng đội bóng đã chơi có phong cách, đã có cố gắng, và các trận thua là những bài học.

Xâu chuỗi lại, bạn có thể nhận ra một câu chuyện kiểu này: Đội tuyển này sẽ tập trung cho mục tiêu dài hạn, chỉ tập trung vào phong cách và bỏ qua những chiến thắng ngắn hạn. Rằng không việc gì phải sốt ruột hay cay cú với việc họ không thắng. Rằng mọi người luôn phải giữ được sự kiên nhẫn.

Nhưng bạn cũng đã nhận ra rằng đội U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của ông Troussier đã thể hiện rằng họ thiếu bản lĩnh thi đấu, và thiếu đi ý chí quyết thắng của một vận động viên thực thụ: Họ không đủ quyết liệt lúc cần thiết, và lơ là vào những khoảnh khắc quyết định. Như thể rằng họ tin vào câu chuyện "tự kể" rằng chỉ cần chơi có phong cách, chiến thắng sẽ đến.

Câu chuyện tự kể của các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo thì ngược lại: Đội bóng có thể dùng mọi cách, để chiến thắng, và thực tế họ đã trở thành một tập thể có bản lĩnh để chiến thắng. 

Ông Troussier sẽ tiếp quản đội tuyển "lớn", những người đã từng tin vào câu chuyện của ông Park để làm nên nhiều kỳ tích, và liệu HLV người Pháp có làm họ tin vào câu chuyện mà ông đang kể hay không? Nhưng để chiến thắng, đó chắc chắn không thể là câu chuyện chỉ ra rả về phong cách. Đến Michael Jordan còn phải bịa ra một câu chuyện giàu màu sắc "chiến tranh" để tự biến mình thành một đấu sĩ. Và đó mới là tinh thần thực thụ của thể thao đối kháng.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm