Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022: Sự thật rung động trái tim


(05/06/2023 08:23:10)

Nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Chu Chí Thành, nguyên Trưởng ban biên tập Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), là một cựu phóng viên chiến trường. Ông cũng là một trong số ít những nghệ sĩ được trao cả hai giải thưởng cao quý về văn học, nghệ thuật. Năm 2012, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước với bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” và 10 năm sau, ông lại vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với bộ ảnh “Hai người lính”.


Khát vọng hòa bình, hòa hợp dân tộc
 
Nhà báo - NSNA Chu Chí Thành được biết đến là một phóng viên ảnh chiến trường, đã chụp được nhiều bức ảnh chân thực, phản ánh khát vọng hòa bình, thống nhất và hòa hợp dân tộc.
 
Bộ ảnh “Từ ngục tối thắng lợi trở về” - Giải thưởng Nhà nước năm 2012 - của nhà báo Chu Chí Thành gồm 4 bức ảnh, được chọn lọc trong vô số những hình ảnh ấn tượng, xúc động mà ông ghi lại được trong sự kiện trao trả tù binh năm 1973, bên bờ sông Thạch Hãn. Bờ Bắc là nơi tập kết tù binh quân đội Sài Gòn, còn bờ Nam là thị xã Quảng Trị, nơi tập kết các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ trong các nhà tù Mỹ - Thiệu để chờ trao trả.
 

Bức ảnh “Hai người lính” chụp chiến sĩ giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái), người Hà Nội và anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa, người Sài Gòn, tại Quảng Trị, năm 1973

Bộ ảnh “Hai người lính” của nhà báo Chu Chí Thành được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 gồm 4 bức ảnh: “Tay bắt mặt mừng”, “Hai người lính”, “Cầu Quảng Trị” “Những bàn tay lưu luyến”.
 
Trong đó, bức ảnh “Hai người lính” được chụp vào tháng 3/1973 tại Quảng Trị, ở vùng giáp ranh hai miền đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Trong ảnh, người lính Giải phóng mặc bộ quân phục quen thuộc, đầu đội mũ tai bèo và người lính quân đội Sài Gòn trong bộ rằn ri, khoác vai nhau thân mật, tưởng như họ chưa hề là đối thủ của nhau. Mới chỉ cách đấy ít lâu, trước cái đêm 27/1/1973, khi Hiệp định Paris có hiệu lực, trên dải đất kéo dài từ Nam sông Thạch Hãn đến đèo Hải Vân, các đơn vị chủ lực của quân đội Sài Gòn và các đơn vị chủ lực của Quân giải phóng cùng lực lượng vũ trang địa phương đã diễn ra những trận đánh quyết liệt, giành giật từng vùng đất, từng hẻm núi, quả đồi… Với mục tiêu “giành đất cắm cờ”, một thế trận cài răng lược của ta và địch kéo dài hàng trăm cây số trên vùng núi, vùng đồi trọc, các làng vùng giáp ranh. Sau những trận đánh đổ máu, hy sinh là những ngày sống căng thẳng sát bên nhau lập chốt, đào hào, dựng nhà bạt, nhà chòi, gài mìn phòng thủ. Khi tiếng súng im ắng dần, những cây cờ nửa đỏ nửa xanh và cờ ba sọc được dựng lên ở phần đất mỗi bên.
 
Nhà báo Chu Chí Thành khi ấy là phóng viên ảnh của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), có nhiệm vụ ghi lại hình ảnh cuộc trao trả tù binh giữa các bên, diễn ra tại vùng ranh giới Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Ông kể: “Khi đó, ban ngày thì những người lính phía Việt Nam Cộng hòa sang chơi, còn ban đêm thì nhóm bộ đội miền Bắc lại vẫy tay gọi í ới sang chốt của quân đội miền Nam ở bên kia ranh giới, mời mấy anh em qua bên này uống nước chè xanh, hút thuốc lá Ðiện Biên. Thực sự, tôi cứ ngỡ là chuyện đùa giữa thời chiến”. Hôm đó, ông chụp được bức ảnh một số lính quân đội Sài Gòn nói chuyện với các nữ dân quân địa phương. Khi vừa chụp xong, một người lính Cộng hòa bất ngờ gọi, nhờ ông chụp cho một bức ảnh kỷ niệm với anh lính giải phóng. Chu Chí Thành ngạc nhiên nhưng rất nhanh chóng bấm máy ghi lại hình ảnh hai người lính thân mật khoác vai nhau…
 
Nhà báo Chu Chí Thành nhớ lại: “Sau đó, họ gặp gỡ nhau, vui vẻ nói chuyện một lúc rồi giải tán. Trong bối cảnh chính trị lúc đó, tôi thấy đây là một hiện tượng lạ. Vào thời khắc đó, tôi nghĩ hình ảnh hai người lính vô tư khoác vai nhau chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Tôi nghĩ rằng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc”.
 
Sau này, ông đã nhiều năm tìm kiếm nguyên mẫu trong ảnh, nhưng phải đến 45 năm sau, ông mới gặp lại hai người lính nhờ sự vào cuộc của cộng đồng mạng và các báo Tuổi Trẻ, Tiền Phong… Hai nhân vật đó là Nguyễn Huy Tạo (người lính Quân giải phóng) và Bùi Trọng Nghĩa (người lính quân đội Sài Gòn). “Hai người lính” là đề tài mà nhà báo Chu Chí Thành ấp ủ từ lâu, nhưng chỉ sau khi gặp lại hai nhân vật nguyên mẫu, ông mới đưa những bức ảnh này đi dự thi. Bộ ảnh đã thể hiện được tinh thần của dân tộc Việt Nam, như Bác Hồ nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
 
Người ghi sử bằng hình ảnh
 
Nếu không có chiến tranh, có lẽ Chu Chí Thành đã không trở thành nhà báo, trở thành một phóng viên ảnh, bởi ông vốn tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi Ban Tuyên huấn Trung ương lấy sinh viên đi chiến trường miền Nam, ông được nhà trường cho làm khóa luận sớm và tốt nghiệp khi mới học hết năm thứ ba. Ông được điều về VNTTX để làm phóng viên tin tức. Tại đây, lần đầu tiên ông được tiếp cận với máy ảnh. Ý thức được vai trò của nhiếp ảnh, ông đã tự nguyện xin học lớp nhiếp ảnh bởi suy nghĩ, ở chiến trường, nếu chỉ ghi chép bằng bút và trí nhớ sẽ bỏ lỡ nhiều thứ, nhiều hình ảnh; nhưng nếu có máy ảnh ghi lại, sau cuộc chiến sẽ có nhiều tư liệu quý.
 
Năm 1967, Mỹ mở chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhiều cầu phà, nhà cửa, trường học bị ném bom, các phân xã rất cần phóng viên ảnh để truyền tải hình ảnh, sự kiện trực quan, kịp thời. Vì thế, một nửa lực lượng sinh viên chuẩn bị đi B năm đó được chuyển sang làm phóng viên ảnh. Nhà báo Chu Chí Thành được đưa về tổ ảnh quân sự của TTXVN - tổ mũi nhọn được đi chụp nhiều sự kiện sôi động. Ông tình cờ đến với nhiếp ảnh và rồi nhiếp ảnh không chỉ là nghề mà còn là nghiệp của cả đời ông.
 
Nhà báo - NSNA Chu Chí Thành tâm sự: “Được làm phóng viên chiến trường là hạnh phúc lớn với tôi. Điều thú vị nhất của người cầm máy ảnh là may mắn được tiếp cận với thực tế sôi động của đất nước và mình trở thành người ghi sử bằng hình ảnh. Và những bức ảnh mà tôi và rất nhiều phóng viên chiến trường lúc đó ghi lại đã trở thành tài liệu lịch sử quý mang giá trị thẩm mỹ cao. Sự thật được thuyết phục bằng hình ảnh chứ không phải bằng suy diễn hay lập luận xa vời”.
 
Trong những năm tháng làm phóng viên ảnh, ông đã để lại dấu ấn lớn trong lĩnh vực ảnh báo chí với hàng trăm bức ảnh tư liệu quý về cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc, trong đó có những bức ảnh về quân dân khu Bốn anh hùng; về địa đạo Vịnh Mốc, Quảng Trị; về mười hai ngày đêm quân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích của không quân Mỹ, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử; về những nhà báo, nhà văn Mỹ Jane Fonda, Falye, Eddman, bà mục sư Winnie Batrow… đến Hà Nội, để chứng kiến cảnh đổ nát hoang tàn của phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai… Những tác phẩm này được in trong cuốn sách ảnh “Ký ức chiến tranh” do Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành năm 2010. Cuốn sách là bộ sưu tập các bức ảnh ông chụp từ vĩ tuyến 17 trở ra trong giai đoạn từ năm 1967 đến 1973, với nhiều tác phẩm mang tính nhân văn sâu sắc, là minh chứng sống động về cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân miền Bắc, vừa là hậu phương lớn chia lửa với chiến trường miền Nam, vừa kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta.

Nhà báo Chu Chí Thành đã ghi lại hiện thực bằng hình ảnh. Với ông, ảnh báo chí quan trọng nhất là sự thật - sự thật rung động trái tim, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai. Một Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn đã qua, nhưng những con người làm nên những ngày tháng oai hùng ấy sẽ vẫn mãi được nhắc nhớ./.
 
Nhà báo Chu Chí Thành

* Năm 1966: Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

* Năm 1966 -1974: Phóng viên ảnh chiến tranh của VNTTX.

* Năm 1976-1980: Học khoa Báo chí, chuyên ngành Ảnh báo chí, trường Đại học Tổng hơp Karl Marx, Leipzig (KMU), CHDC Đức.

* Năm 1980-1996: Biên tập viên, Uỷ viên Ban biên tập Ảnh, Phó trưởng ban, Trưởng ban biên tập Ảnh.

* Năm 1996-2005: Phó giám đốc, Giám đốc Xí nghiệp in I TTXVN.

* Năm 2005-2009: Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Khóa VI.

* Giải thưởng Nhà nước năm 2012 và Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 về văn học, nghệ thuật.

Phạm Tiên Dũng
Nội san Thông tấn số 5/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022: Những khoảnh khắc thời “hoa lửa” (05/06/2023 08:22:10)

Hướng tới Đại hội Công đoàn TTXVN nhiệm kỳ 2023-2028: Hoàn thành đại hội công đoàn cơ sở  (01/06/2023 16:42:07)

Giải báo chí TTXVN 2022: Loạt bài có “sức nặng” (01/06/2023 14:08:52)

“Tác chiến” ở SEA Games 32  (01/06/2023 10:59:27)

Giải thưởng Dế Mèn 2023 đã tìm được “Hiệp sĩ” (01/06/2023 09:39:11)

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023): Sinh hoạt chuyên đề tại ATK Định Hóa (25/05/2023 08:31:58)

Dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/05/2023 08:27:25)

Trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022: Bảy nhà báo Thông tấn được vinh danh (19/05/2023 15:06:06)

Con đường lên mốc biên giới mang tên VNews (19/05/2023 11:35:33)

Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023): Công trình thanh niên “Sáng bước ta đi”  (19/05/2023 11:15:58)