Phạt tù 'cặp đôi' lừa đảo 138 người đi xuất khẩu lao động

Ngày 1/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt 2 bị cáo: Lại Thị Vân (sinh năm 1980, trú tại xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) tù chung thân và Phạm Bá Trạc (sinh năm 1959, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) 18 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Tòa đã trả hồ sơ vụ án này do xuất hiện thêm bị hại, nâng tổng số bị hại lên 138 người với số tiền bị chiếm đoạt hơn 38,6 tỷ đồng. 

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 4/2020, Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn của nhiều người tố cáo Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận tiền của nhiều người để làm thủ tục đưa đi xuất khẩu lao động tại Australia nhưng sau đó không như cam kết. Khi các bị hại đòi lại tiền thì Trạc, Vân bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Từ năm 2015 - 2017, Phạm Bá Trạc và Lại Thị Vân không có chức năng, không có khả năng làm thủ tục đưa người khác đi xuất khẩu lao động tại Australia nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối, giới thiệu với nhiều người rằng Vân nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Trong khi đó, Trạc được giới thiệu là cán bộ cấp cao trong cơ quan nhà nước, có nhiều mối quan hệ có khả năng xin được cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Australia.

Trạc, Vân cam kết người đi xuất khẩu lao động sẽ được lao động từ 2 - 4 năm với mức lương từ 3.000 - 4.000 USD/tháng. Muốn sang Australia làm việc, người lao động phải nộp chi phí từ 5.000 - 30.000 USD, tùy theo từng công việc. Đơn cử như lao động làm mía đường có chi phí từ 5.000 - 10.000 USD/người; hái cà chua từ 20.000 - 30.000 USD/người... Sau khi nộp tiền đặt cọc (từ 2.000 - 10.000 USD) khoảng 3 tháng thì người có nhu cầu sẽ được xuất cảnh sang Australia lao động và phải nộp nốt số tiền còn lại.

Để mọi người tin tưởng, Trạc, Vân đã đưa họ đến phòng làm việc của Trạc tại một cơ quan nhà nước. Tin tưởng thông tin Trạc, Vân đưa ra là thật nên nhiều người thuộc nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nộp tiền và hồ sơ cho cặp đôi này để làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Australia.

Sau khi nhận tiền, Trạc, Vân tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An, Hà Nội. Tiếp đó, 2 bị cáo thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm học tiếng Anh tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA, địa chỉ tại thôn Do Hạ (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) và thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho người lao động tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA.

Tiếp đến, người lao động được đưa đến một địa điểm ở phố Lò Đúc (Hà Nội) làm các thủ tục lăn tay, chụp ảnh… để làm visa nhằm mục đích tạo niềm tin và kéo dài thời gian chờ đợi của người lao động. Nhưng sau đó, Trạc và Vân đã không làm thủ tục gì để đưa họ đi xuất khẩu lao động.

Hết thời hạn cam kết, các bị hại không được đi xuất khẩu lao động đến đòi tiền. Trạc, Vân viết cam kết sẽ trả lại tiền nhưng sau đó không trả mà bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền đã nhận.

Ngày 11/7/2020, Phạm Bá Trạc đến Cơ quan điều tra đầu thú. Ngày 3/2/2021, Lại Thị Vân bị bắt theo lệnh truy nã của Cơ quan công an.

Tại Cơ quan điều tra, Trạc và Vân khai nhận về hành vi phạm tội của mình như trên.

Trong số các nạn nhân thì Vân và Trạc chiếm đoạt nhóm anh Phạm Anh T. (sinh năm 1981, ở Quảng Bình) hơn 10,8 tỷ đồng theo hình thức sang Australia diện bảo lãnh doanh nghiệp. Anh T. đã nhận tiền của em trai, họ hàng và 28 người khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trạc và Vân đã viết giấy hứa hẹn đưa lao động sang tập đoàn Ydeet, Australia, cam kết trong thời hạn 30 ngày sẽ sang. Tuy nhiên, đến hạn, cả hai không thực hiện theo cam kết. Trường hợp bị chiếm đoạt tiền nhiều nhất là hơn 500 triệu đồng. 

Công an thành phố Hà Nội đã đề nghị Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an và có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị ủy thác tư pháp cho Cơ quan Tổng chưởng lý Australia phối hợp xác minh đối với vụ án này.

Cảnh sát Australia kiểm tra thông tin trên tất cả hệ thống dữ liệu và kết quả kiểm tra xác định không tồn tại Công ty, tập đoàn, tổ chức tên Ydeet. Địa chỉ 108 Safari Place, Carabooda Western Australia 6033, Australia (như 2 bị cáo cung cấp) là địa điểm đang thi công và không có ai sinh sống, thuộc sở hữu của doanh nghiệp Australia. Người bán mảnh đất này cho doanh nghiệp đều không liên quan đến bất cứ tổ chức, công ty, tập đoàn nào mang tên Ydeet.

Kim Anh (TTXVN)
Khởi tố một cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng
Khởi tố một cán bộ ngân hàng lừa đảo chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng

Ngày 1/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với Đào Quang Hiệp (sinh năm 1989, trú tại tổ 3, khu 1, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) để điều tra làm rõ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN