Vướng đàm phán giá - Bài 2: Mong sớm có giá điện sạch

Hàng chục dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vẫn đang gặp khó khăn, không thể tham gia đàm phán do nhiều vướng mắc trong khi nguy cơ thiếu điện đang hiện hữu.

Việc Bộ Công Thương sớm ban hành giá điện sạch được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng. Phóng viên TTXVN đã có buổi trao đổi với ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh để hiểu thêm về những tồn tại và giải pháp huy động các nguồn năng lượng tái tạo.

Chú thích ảnh
Dự án điện năng lượng mặt trời ven sông Vàm Cỏ Đông, thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Ông đánh giá thế nào về thực trạng hệ thống điện Việt Nam hiện nay và nguy cơ thiếu điện được dự báo trong thời gian tới?

Hiện nay, hệ thống điện của Việt Nam vẫn đang tồn tại vấn đề về cung ứng điện, truyền tải điện để chuyển các nguồn điện đang dư thừa trong khu vực miền Trung và miền Nam ra miền Bắc. Thách thức trong hệ thống điện, đặc biệt tại miền Bắc là hầu như không có nguồn điện mới được đưa vào. Nguồn điện gần đây nhất được huy động là Nhiệt điện Thái Bình 2. Đây sẽ là khó khăn rất lớn trong một vài năm tới khi có sự mất cân đối giữa nguồn cung ứng điện và nhu cầu phụ tải từng khu vực.

Trong năm nay, thiếu điện thực sự là vấn đề hiện hữu. Chúng ta có thể thấy, việc cung ứng các nguyên liệu truyền thống như than, khí gặp nhiều khó khăn, khó để đàm phán mua điện với mức giá hợp lý. Thêm nữa, tiến độ hàng loạt các dự án nguồn điện khu vực phía Bắc đưa vào chậm so với quy hoạch điện đã được phê duyệt trước đó. Thêm vào đó, câu chuyện El nino, nắng nóng cực đoan diễn ra gây áp lực rất lớn cho cung ứng điện để phục vụ sản xuất và đời sống người dân tại khu vực phía Bắc.

Dự báo việc điều tiết các phụ tải sử dụng điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ bắt buộc phải triển khai mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt trong mùa hè nắng nóng năm nay.

Trong bối cảnh nhiều dự án năng lượng chậm tiến độ, nguồn nước về hồ thủy điện thiếu hụt, năng lượng tái tạo được xem là nguồn điện có thể bổ sung cho an ninh năng lượng. Song việc đàm phán giá điện đang bế tắc. Ông có thể cho biết nguyên do của vấn đề này?

Đối với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp, thách thức ở đây là khi chúng ta có cơ chế trợ giá, giá điện ưu đãi FIT trong thời gian vừa qua cho các dự án điện mặt trời và điện gió thì hầu như các nhà đầu tư lúc đó đều tính toán tài chính dựa trên cơ sở rất quan trọng là mức giá FIT Chính phủ quy định. Nhưng khi hết hạn giá ưu đãi, chuyển sang trạng thái bắt buộc đàm phán giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì cách thức tính toán tài chính, các yếu tố lợi nhuận, hồ sơ khung pháp lý phải đầy đủ và nhiều hơn so với khi vận hành để hưởng cơ chế giá FIT.

Thách thức ở đây không chỉ là với nhà đầu tư mà còn với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Như chúng ta đã thấy qua các buổi trao đổi trong thời gian qua, cần phải có nhiều hướng dẫn cho các cuộc đàm phán, nhưng đến giờ, dường như vẫn chưa được cụ thể, tạo ra sự hiểu khác nhau, hoặc các chỉ dẫn chưa thực sự rõ ràng, gây khó khăn cho quá trình đàm phán mua điện giữa EVN và chủ đầu tư.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn và nghiên cứu phương án giá điện với các dự án chuyển tiếp. Theo ông, đây có phải “chìa khóa” cho vấn đề này và về lâu dài cần có chính sách ra sao để thu hút tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo?

Với chỉ đạo của Chính phủ, quá trình đàm phán, hướng dẫn sẽ được nhanh chóng hơn. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu rằng, viêc huy động được các nguồn này ở mức độ bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan. Việc huy động các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp này có tỷ trọng lớn là các dự án điện gió, trong khi giai đoạn này, các nguồn điện gió cung ứng điện chưa đạt hiệu quả cao, chưa đảm bảo yêu cầu của nhà đầu tư trong câu chuyện hoàn vốn.

Tuy vậy, ít nhất là khi các nhà đầu tư có thể ký hợp đồng bán điện cho EVN, các thỏa thuận này sẽ là căn cứ để nhà đầu tư gia hạn thêm các khoản trả nợ, hoặc vay bổ sung các nguồn vốn ngân hàng, hỗ trợ cho quá trình vận hành tiếp theo đó. Đây là những lợi ích không nhỏ với các nhà đầu tư tư nhân trong thời gian sắp tới.

Chúng ta thấy rõ ràng là gần đây Bộ Công Thương có đưa ra các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, điều chỉnh liên quan đến tính toán, đàm phán giá điện, điều kiện áp dụng cho các dự án điện chuyển tiếp. Tất cả các vấn đề rà soát, điều chỉnh thông tư, quyết định cho các dự án điện chuyển tiếp này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Bộ Công Thương. Chỉ cần Bộ Công Thương chủ động, có những trao đổi phù hợp với những quy định pháp luật hiện nay, cũng như những quy định liên quan tài chính cụ thể của Chính phủ, của EVN thì việc điều chỉnh và cập nhật quy định này cũng không phải quá khó khăn và quá mất nhiều thời gian.

Về lâu dài, phải phân rõ các dạng hình năng lượng tái tạo khác nhau sẽ phải có cơ chế áp dụng khác nhau. Ví dụ với dự án điện mặt trời, điện gió thì xu hướng giảm giá thành sản xuất điện của các dự án này khá rõ trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam lại không có nền công nghiệp cho loại năng lượng tái tạo này, hầu hết chúng ta nhập khẩu các trang thiết bị, công nghệ, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì.

Vì thế trong thời gian tới, khi triển khai Quy hoạch điện VIII sẽ phải có kế hoạch đồng bộ, đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác trong câu chuyện xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng… cũng như có thể hướng tới vấn đề xuất khẩu công nghệ, xuất khẩu điện như trong Quy hoạch điện VIII.

Với những giải pháp và định hướng như vậy, ông nhận định khi nào câu chuyện thiếu điện được giải quyết?

Để xây dựng một dự án điện không hề đơn giản, có lẽ nhanh nhất trong triển khai đầu tư là dự án điện mặt trời, chỉ dưới 1 năm, nhưng dư địa cho các dự án điện mặt trời tập trung đã không còn nhiều do các rào cản liên quan đến vấn đề đất đai, thì ở trong Quy hoạch điện VIII có điều chỉnh tốt, thay vì thúc đẩy quá nhiều dự án điện tập trung thì đã ưu tiên phát triển điện mặt trời phân tán tại mái nhà cho nhu cầu tiêu dùng góp phần giảm tải các dự án điện cần thực hiện trong 2-3 năm tới.

Có lẽ trong hai năm 2024 - 2025, kỳ vọng sẽ nhìn thấy lượng công suất lớn hơn từ điện mặt trời mái nhà không chỉ từ các khu công nghiệp, tòa nhà dịch vụ, công sở mà ngay cả trong các mái nhà người dân.

Về vấn đề thiếu điện, tôi kỳ vọng rằng 3-4 năm tới, chúng ta mới có thể giải quyết triệt để việc thiếu hụt nguồn điện trong mùa nắng nóng, nhưng thách thức ở đây chính là vấn đề tái cơ cấu, điều chỉnh lại cơ cấu giá điện bán lẻ, trong bối cảnh chi phí sản xuất điện ngày càng cao, vốn đầu tư rất lớn. Tôi cho rằng cần thiết có sự điều chỉnh để bản thân EVN có đủ năng lực tài chính chi trả cho các nhà đầu tư về nguồn và lưới điện nhưng tránh ảnh hưởng quá nặng đến nền kinh tế và người dân.

Xin cảm ơn ông!

Bài cuối: Giải pháp linh hoạt để tránh lãng phí nguồn điện 'sạch'

Đức Dũng (TTXVN)
Vướng đàm phán giá - Bài cuối: Giải pháp linh hoạt để tránh lãng phí nguồn điện 'sạch'
Vướng đàm phán giá - Bài cuối: Giải pháp linh hoạt để tránh lãng phí nguồn điện 'sạch'

Chưa có giá mua bán điện chính thức từ cơ quan chức năng, trong khi mức giá mua điện tạm thời được đánh giá là chưa đủ để giúp doanh nghiệp trang trải chi phí vận hành, lãi vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN