Chính phủ Nga cấm tạm thời đối với xuất khẩu một số loại đạn và vỏ đạn

Theo sắc lệnh của Thủ tướng Mishustin, lệnh cấm áp dụng đối với đạn và vỏ đạn dùng cho các loại súng trường dân dụng, quân dụng và lệnh cấm có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm nay.
Chính phủ Nga cấm tạm thời đối với xuất khẩu một số loại đạn và vỏ đạn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Stock)

Theo hãng tin TASS, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký lệnh cấm tạm thời xuất khẩu một số loại đạn và vỏ đạn.

Thông báo này được đưa ra trên trang web của nội các Nga ngày 31/5.

Theo sắc lệnh của Thủ tướng Mishustin, lệnh cấm áp dụng đối với đạn và vỏ đạn dùng cho các loại súng trường dân dụng và quân dụng. Lệnh cấm có hiệu lực đến hết ngày 31/12 năm nay.

Tuy nhiên, lệnh cấm không ảnh hưởng đến xuất khẩu các loại đạn và vỏ đạn phục vụ nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Nga cũng như các tổ chức quân sự, lực lượng khác của nước này.

Quyết định trên được thông qua theo sắc lệnh của Tổng thống Nga "Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt trong hoạt động kinh tế đối ngoại nhằm bảo đảm an ninh của Liên bang Nga."

[Nga cấm giao hàng theo hợp đồng áp giá trần dầu mỏ của phương Tây]

Trong một diễn biến khác, các nguồn tin chính phủ và ngành xăng dầu cho biết Chính phủ Nga đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước.

Các nguồn tin trên nhận định biện pháp này cũng sẽ có thể góp phần ngăn chặn tình trạng giá cả leo thang sau khi Bộ Tài chính Nga quyết định giảm trợ giá nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu.

Bên cạnh việc xem xét lệnh cấm xuất khẩu, Chính phủ Nga cũng có thể tăng khối lượng tối thiểu xăng ôtô bắt buộc bán ra trên sàn giao dịch hàng hóa. Ngoài ra, Bộ Tài chính dự định giảm 50% mức trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu từ tháng 7 để bổ sung cho ngân sách quốc gia.

Trước đó, Chủ tịch Liên minh nhiên liệu độc lập của Nga, ông Grigory Bazhenov cho biết giá xăng bán lẻ tại quốc gia Đông Âu này sẽ chỉ tăng nhẹ, bất chấp giá xăng A-95 trên sàn giao dịch tăng cao. Ông lưu ý rằng trong suốt năm 2022 và nửa đầu năm 2023, không có điều kiện tiên quyết nào để tăng giá bán loại nhiên liệu này.

Giá xăng A-95 trong phiên giao dịch trước đó đã tăng lên mốc cao nhất kể từ năm 2021, vượt ngưỡng 60.608 ruble/tấn, tăng thêm 1,72%. Giá xăng A-92 lên tới 52.280 ruble/tấn, tăng 1,91%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục