Cần gia hạn thỏa thuận hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine

Phát biểu họp báo ngày 30/5, Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Janusz Wojciechowski cho rằng cần gia hạn thỏa thuận, tốt nhất là tới cuối năm 2023 hoặc ít nhất là tới cuối tháng 10.
Cần gia hạn thỏa thuận hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine ảnh 1Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng ở vùng Khmelnytsk)yi, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ủy viên phụ trách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng cần kéo dài các biện pháp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine, ít nhất là cho tới cuối tháng 10.

Biện pháp hạn chế được áp dụng sau khi các nước EU ở Đông Âu - nằm trên tuyến vận chuyển ngũ cốc Ukraine ra nước ngoài - than phiền về tình trạng dư thừa ngũ cốc dẫn tới giá sản phẩm nội địa giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân trong nước.

Vượt qua những chia rẽ nội bộ, EU đã đạt thỏa thuận cho phép 5 nước gồm Bulgaria, Hungary, Poland, Romania và Slovakia tạm dừng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/6 tới.

Phát biểu họp báo ngày 30/5, Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp Janusz Wojciechowski cho rằng cần gia hạn thỏa thuận, tốt nhất là tới cuối năm 2023 hoặc ít nhất là tới cuối tháng 10.

Vấn đề là ngũ cốc dự trữ ở 5 nước nêu trên đang nhiều hơn ở Ukraine và đó là lý do để kéo dài lệnh cấm nhập khẩu tạm thời nhằm giúp cải thiện tình hình ở các nước đó.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập khẩu là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" trong khi Bộ Nông nghiệp Ukraine kêu gọi hủy bỏ các biện pháp hạn chế. Ngoài ra, thỏa thuận cũng đang vấp phải sự phản đối của 12 nước EU, trong đó có Pháp và Đức, do lo ngại thiếu tính minh bạch và cảnh báo nguy cơ làm suy yếu thị trường chung châu Âu.

[Hàng hóa nhập khẩu vào EU từ Ukraine được miễn thuế thêm 1 năm]

Ủy viên Wojciechowski cho biết Ủy ban châu Âu (EC) chưa đưa ra quyết định về việc có gia hạn thỏa thuận hay không nhưng bày tỏ hy vọng đã có thể thuyết phục các nước thành viên về tính công bằng của việc gia hạn thỏa thuận.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022, tuyến đường xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen bị hạn chế đáng kể nên các tuyến xuất khẩu đường bộ thông qua các nước láng giềng được tăng cường.

Các nước thành viên EU đã nhất trí cho phép nhập khẩu một số sản phẩm nhất định từ Ukraine mà không giới hạn số lượng, bỏ qua một số khâu kiểm soát hải quan và kiểm tra chính thức.

Tuy nhiên, nhiều người nông dân ở các nước EU đã phản đối biện pháp này khi giá hàng hóa trong nước giảm mạnh, yêu cầu có các biện pháp hạn chế và cấm hàng hóa Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục