Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu

Giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, chiều 29/5, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu là "bài toán" cần có giải pháp tổng thể; mong các địa phương, bộ, ngành tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế để tháo gỡ bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ.

Chuẩn bị công bố hết dịch COVID-19

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn nhận một cách tổng quát việc huy động nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, kể cả mặt làm được, mặt chưa làm được và những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Về việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu, nhưng đại dịch chưa kết thúc. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp cùng các bộ, ngành, rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch của Việt Nam, chủ trì xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch COVID-19, phải căn cứ vào các quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Dự kiến, cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tập trung bàn thảo các nội dung liên quan đến vấn đề này. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch và đề xuất đưa vaccine phòng COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của WHO.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đảm bảo cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, đặc biệt sau thời gian dịch bệnh, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024 (Nghị quyết 80); ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế…,  tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.

Để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội Luật Đấu thầu, Luật Giá và phía Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ để trình Luật Dược (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh…

Cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc của nhân dân

Về giải quyết nguồn cung ứng thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thực hiện Nghị quyết 80, Bộ Y tế đã có 4 lần điều chỉnh, gia hạn với 10.572 thuốc được gia hạn. Hiện nguồn cung thuốc của nước ta khoảng 22.000 mặt hàng, cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc của nhân dân.

“Tuy nhiên, tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu là một bài toán cần có những giải pháp tổng thể. Về trách nhiệm của ngành, chúng tôi tiếp tục tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế mua sắm, đấu thầu. Bộ Y tế rất mong các địa phương, bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế để tháo gỡ vấn đề này bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Liên quan đến chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, năm 2018, WHO nhận định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi. Mạng lưới y tế cơ sở là then chốt để đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về y tế công cộng với các chỉ số sức khỏe cao hơn các quốc gia khác có cùng trình độ phát triển.

Tuy nhiên, để phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng thời gian tới, báo cáo giám sát tối cao cũng đã đánh giá được những kết quả, mặt làm được và vấn đề còn tồn tại với chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng. Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình huống mới để phục vụ nhu cầu tăng cường, củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đến nay, hồ sơ này chuẩn bị được trình Ban Bí thư để họp và thông qua vào tháng 6/2023 với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế, phương thức triển khai thực hiện, củng cố nguồn nhân lực…; từ đó phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và người dân

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trước đó, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung để hoàn thiện các quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền giải pháp để giải quyết những vướng mắc. Thời gian qua, việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ hết sức linh hoạt, hiệu quả, thể hiện sự quyết liệt và hiệu quả. Chính phủ vừa quyết liệt chống dịch nhưng cũng vừa chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu tối đa vướng mắc trong quá trình huy động, sử dụng nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc quy định về số tài sản tài trợ hay thẩm định giá đối với tài sản công, tại Nghị định 29, điều 14 khoản 3 quy định, đơn vị tiếp nhận căn cứ hóa đơn xuất của bên viện trợ để ghi tăng tài sản công, không bắt buộc thẩm định lại.

“Chỉ khi tài sản được sử dụng hoặc sử dụng đến khi thanh lý, mới cần xác định giá tối thiểu để bán đấu giá. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn nội dung này để các đơn vị thực hiện”, Bộ trưởng nói.

Về vấn đề mua vaccine, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi hết Chương trình Tiêm chủng mở rộng, được bố trí theo ngân sách Trung ương. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã bố trí cho Bộ Y tế, năm 2021 là 132.000 tỷ đồng, năm 2022 là 176.000 tỷ đồng. Năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế để Bộ Y tế đề xuất và Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền thực hiện mua vaccine tiêm chủng mở rộng.

Đối với đầu tư cơ sở vật chất y tế, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43), đã bố trí 14.000/176.000 tỷ trong gói phục hồi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt cho y tế cơ sở. Ngoài ra, còn bố trí ngân sách địa phương và ngân sách trung ương cho việc đầu tư các dự án để sửa chữa, nâng cao và hiện đại hóa y tế cơ sở.

Về chính sách cho cán bộ y tế và phụ cấp y tế, ưu đãi nghề và bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về bảo hiểm y tế, hiện nay chúng ta chỉ thu 4,5%, trong đó 1,5% là người lao động nộp, 3% là người sử dụng, đơn vị sử dụng lao động nộp. Quỹ Bảo hiểm y tế có hạn, trong khi chi ra gần như không hạn chế, điều đó có nghĩa là phải quản lý theo dự toán.

“Nhưng hiện nay y tế cơ sở, y tế cấp dưới đẩy lên y tế cấp trên, y tế cấp trên lại chuyển lên y tế cấp cao nhất. Khi sửa Luật Bảo hiểm sắp tới, chúng tôi sẽ lưu ý đến vấn đề này, cấp bù bằng ngân sách như thế nào cho y tế tuyến cuối để đảm bảo thanh toán y tế một cách thuận lợi nhất”, Bộ trưởng nói.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 hiện nay thu được 10.791 tỷ đồng, trong đó chi mua vaccine là 7.672 tỷ đồng, hiện dư khoảng 3.118,9 tỷ đồng. Về xuất hàng viện trợ, Bộ Tài Chính cũng phải áp dụng biện pháp xuất hàng trước, lấy chứng từ, hồ sơ sau, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc” để đảm bảo cứu người dân mắc COVID-19.

Đối với vấn đề chính sách phục hồi kinh tế, Trưởng ngành Tài chính cho biết, Nghị quyết 43 của Quốc hội ra đời ngày 11/1/2022 thì 17 ngày sau, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

“Chỉ gần 20 ngày sau khi có Nghị quyết của Quốc hội thì Nghị định của Chính phủ đã được ban hành để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Diệp Trương (TTXVN)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đãi ngộ ngành Y bằng chính sách đặc biệt
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Đãi ngộ ngành Y bằng chính sách đặc biệt

Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cải cách tiền lương. Trong đó, cũng tính toán kỹ lưỡng về tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tiền lương, phụ cấp đặc thù đối với nhân viên y tế nói chung, cũng như nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN