Hơn 1 triệu tòa nhà chọc trời đè nặng khiến New York đang lún dần

New York đang lún dần dưới sức nặng của hơn 1 triệu tòa nhà chọc trời

Nhóm nhà khoa học tính toán gần 1,1 triệu tòa nhà tại New York với trọng lượng lên tới 762 triệu tấn là một trong những nguyên nhân khiến thành phố này sụt lún trung bình khoảng 1-2mm/năm.
New York đang lún dần dưới sức nặng của hơn 1 triệu tòa nhà chọc trời ảnh 1Các tòa nhà chọc trời tại thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

New York - thành phố đông dân nhất nước Mỹ - đang sụt lún do sức nặng của các công trình xây dựng cùng nhiều yếu tố khác.

Nghiên cứu này được một nhóm nhà khoa học tại Cục Khảo sát Địa chất (USGS) thuộc Bộ Nội vụ Mỹ thực hiện và công bố mới đây trên tạp chí Earth’s Future. 

Nhóm nhà khoa học tính toán rằng gần 1,1 triệu tòa nhà trên khắp 5 quận của thành phố New York có trọng lượng lên tới 762 triệu tấn, tương đương 1,9 triệu chiếc máy bay dân dụng Boeing 747-400.

Sau đó, họ dùng các phần mềm mô phỏng để tính toán hiệu ứng của trọng lượng này lên mặt đất, so sánh với dữ liệu địa chất được đo từ hệ thống vệ tinh. Quá trình phân tích cuối cùng đã cho ra mức độ sụt lún của thành phố.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà nghiên cứu địa vật lý Tom Parsons tại USGS cho biết tốc độ sụt lún trung bình khoảng 1-2mm/năm, thậm chí một số nơi của thành phố ghi nhận khoảng 4,5mm/năm.  

Nhóm nghiên cứu tìm thấy mối liên quan giữa tình trạng sụt lún tại một số khu vực của New York, nơi những tòa nhà tọa lạc trên nền đất mềm hoặc các bãi bồi nhân tạo.

Tuy nhiên, trọng lượng của các công trình không phải lý do duy nhất gây ra hiện tượng sụt lún.

Theo nhóm nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến vấn đề này như hiện tượng giãn nở đất sau kỷ băng hà hoặc tác động của việc hút nước ngầm dưới lòng thành phố.

Mặt khác, việc New York đang lún dần cũng do tình trạng nước biển dâng - với tốc độ đang nhanh gấp đôi so với tốc độ toàn cầu.

Các chuyên gia dự báo mực nước biển xung quanh thành phố này sẽ dâng thêm từ 20-76cm vào năm 2050.  

Hơn nữa, các nhà khoa học dự đoán các cơn bão tuyết và bão nhiệt đới lớn sẽ xuất hiện thường xuyên và diễn biến cực đoan hơn do biến đổi khí hậu.

Ông Parsons lưu ý dù cách xa đại dương, nhưng New York đã ghi nhận những cơn bão lớn như Sandy và Ida khiến thành phố ngập lụt và một số tác động của quá trình đô thị hóa đang khiến nước tràn vào.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng sụt lún có thể gây ra mối đe dọa lũ lụt sớm hơn mực nước biển dâng và vấn đề này không chỉ xảy ra tại New York mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.

[Mực nước biển dâng cao hơn 10cm so với thập niên 90 của thế kỷ trước]

Ông Parson và các đồng tác giả đến từ Đại học Rhode Island đã theo dõi 99 thành phố trên khắp thế giới, không chỉ ở ven biển mà cả lục địa. Đa số các thành phố này gặp vấn đề tương tự, trong đó có thủ đô Jakarta của Indonesia.

Giới chuyên gia dự báo thủ đô Jakarta có thể chìm dưới nước vào năm 2050. Nhiều khu vực của thành phố này đã chìm gần 11 cm/năm vì hoạt động khai thác nước ngầm.

Theo chuyên gia địa vật lý Sophie Coulson, nghiên cứu sinh sau tiến sỹ tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, mực nước biển toàn cầu đang tăng lên, các đường bờ biển đang thay đổi và điều quan trọng là phải hiểu được tác động từ các hoạt động của con người, như khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đối với hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Bà nhấn mạnh cần hiểu được cách thức và lý do cảnh quan đang thay đổi, đồng thời xác định các khu vực dễ bị lũ lụt nhất để thực hiện các bước chuẩn bị phù hợp nhằm giảm mực nước biển dâng trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục