15 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2022

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức lễ trao Giải thưởng Đào Tấn 2022, tôn vinh 15 tập thể, cá nhân đã có những tác phẩm đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Chú thích ảnh
15 tập thể, cá nhân được trao Giải thưởng Đào Tấn 2022.

Theo Ban tổ chức, sau 4 năm tạm dừng vì dịch bệnh và những lý do bất khả kháng, Giải thưởng Đào Tấn được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi động lại nhân kỷ niệm 115 năm ngày mất của Đào Tấn (1907 - 2022), đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 23 năm thành lập Viện.

Ra đời từ năm 2000, ngay từ khi mới thành lập Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến, Giải thưởng Đào Tấn trao tặng cho các tập thể, cá nhân có các tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ giao lưu hội nhập của đất nước, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đầu tiên, Giải thưởng được trao hai năm/lần; từ năm 2005 đến nay được trao một năm/lần.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến cho biết, nét mới năm nay là Hội đồng giải thưởng đã xét, trao giải cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong việc vinh danh,thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị nghệ thuật bán chuyên.

Giải thưởng được trao cho 15 tập thể, cá nhân và được chia thành 3 hạng mục chính gồm: giải thưởng cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc; giải thưởng cho các văn nghệ sỹ xuất sắc; giải thưởng cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc.

Cụ thể, 2 giải thưởng cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc được trao cho Đội tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Đây là hai đơn vị nghệ thuật bán chuyên đã có công bảo tồn, gìn giữ, phát triển nghệ thuật tuồng tại địa phương.

10 giải thưởng cá nhân được trao cho các văn nghệ sỹ xuất sắc gồm: Cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang; Nhạc sỹ Đình Thậm; Nhà thơ Trần Nhuận Minh; Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du; Phó giáo sư, Tiến sỹ  họa sỹ Đoàn Thị Tình; Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm; Nghệ sỹ Bình Tinh; Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán; Giáo sư, viện sỹ, họa sỹ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính; Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi.

Ba đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc được vinh danh lần này, gồm: Sân khấu Lệ Ngọc - đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất; Nhà hát Chèo Hưng Yên với vở diễn xuất sắc "Ván cờ oan trái"; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An với giải vở diễn xuất sắc "Bên dòng Long Khốt". 

Bày tỏ sự vui mừng, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam chia sẻ, Giải thưởng Đào Tấn là giải thưởng cao quý, uy tín, bởi sự ghi nhận của những người trong nghề đối với quá trình lao động sáng tạo, cống hiến của tập thể, cá nhân các văn nghệ sỹ.

“Giải thưởng là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của người nghệ sỹ để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Tôi mong muốn Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến tiếp tục duy trì giải thưởng này, để các nghệ sỹ có thêm động lực sáng tạo và cống hiến”, Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi bày tỏ.

Tin, ảnh: Phương Lan (TTXVN)
Triển lãm ‘Thiết kế thủ công sáng tạo’: Làm mới nghệ thuật truyền thống
Triển lãm ‘Thiết kế thủ công sáng tạo’: Làm mới nghệ thuật truyền thống

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival nghề truyền thống Huế 2023, không gian Triển lãm “Thiết kế thủ công sáng tạo” đã thu hút 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà thiết kế với những sản phẩm thủ công độc bản, mang tính sáng tạo, ứng dụng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN