Quốc hội thảo luận hai dự án luật liên quan đến ngành Công an

Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam...
Quốc hội thảo luận hai dự án luật liên quan đến ngành Công an ảnh 1Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam và An Giang thảo luận ở tổ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thảo luận tại các tổ, đa số đại biểu đánh giá, đối với hai luật về xuất, nhập cảnh, việc sửa đổi, bổ sung lần này góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế-xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việc sửa đổi cũng là hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Nhiều đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết trong tình hình hiện nay xuất phát từ yêu cầu tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam phù hợp với chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, nhiều đại biểu cũng nhất trí cho rằng nội dung sửa đổi lần này dựa trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Công an Nhân dân năm 2018 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

[Thảo luận về Luật Công an nhân dân và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh]

Nổi lên là hạn tuổi phục vụ cao nhất của sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân Công an chưa phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Bộ luật Lao động năm 2019 và thực tiễn thi hành nhiệm vụ của lực lượng Công an Nhân dân.

Bên cạnh đó, chưa quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí để thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sỹ quan Công an Nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập; quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an Nhân dân chưa phù hợp với cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trong Công an Nhân dân.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với xã hội, đặc biệt sẽ tận dụng được nguồn lao động có chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, nếu nâng hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân thì tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để cán bộ, chiến sỹ đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhất, theo quy định hiện hành, nam đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nữ đóng bảo hiểm xã hội đủ 30 năm trở lên mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%; đồng thời, giúp cân đối quỹ bảo hiểm xã hội nói chung khi kinh phí cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội tăng lên.

Nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hai luật về xuất, nhập cảnh, đại biểu Lê Nhật Thành nêu ý kiến theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là đơn vị chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú theo phân công của Chính phủ. Còn Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì trong việc ký kết điều ước quốc tế liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú. Như vậy cùng một vấn đề ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân nhưng có hai Bộ chủ trì.

Đại biểu Lê Nhật Thành nêu rõ theo quy định của Luật Cư trú và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Công tác tiếp nhận công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú là một trong những nội dung của công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Quốc hội thảo luận hai dự án luật liên quan đến ngành Công an ảnh 2Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An thảo luận ở tổ. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bộ Công an là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện các hiệp định, thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú như tổ chức xác minh, cấp giấy tờ đi lại, thực hiện tiếp nhận công dân khi nước ngoài trao trả… Do đó, nếu giao cho Bộ Ngoại giao đề xuất đàm phán ký kết, Bộ Công an tổ chức thực hiện sẽ thiếu tính thống nhất và không bám sát được thực tiễn.

Về việc thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, trên thực tế Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ thực hiện công tác bảo hộ trong giai đoạn công dân đang bị tố tụng (bị bắt giữ, xét xử), sau khi đã có quyết định xét xử, trục xuất của cơ quan chức năng nước ngoài thì việc xác minh, tổ chức tiếp nhận công dân Việt Nam bị nước ngoài trục xuất hoàn toàn do các cơ quan chức năng của Bộ Công an thực hiện.

“Chính vì những lý do nêu trên nên cần phải điều chỉnh lại, theo hướng chỉ giao một Bộ chủ trì ký kết thỏa thuận quốc tế trong việc tiếp nhận công dân Việt Nam không được phía nước ngoài cho cư trú. Tôi nhất trí với việc quy định giao cho Bộ Công an là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, không trái với quy định của Luật Điều ước quốc tế,” đại biểu Lê Nhật Thành thảo luận.

Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 6 về thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Theo đại biểu, bổ sung thông tin “nơi sinh” vào giấy tờ xuất nhập cảnh là cần thiết vì đây là thông tin bắt buộc mà công dân phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Khi có thông tin nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh sẽ tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu.

“Việc ghi thông tin nơi sinh trên hộ chiếu như quy định của Luật sửa đổi lần này, sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam, đảm bảo tính ổn định, lâu dài, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh của công dân,” đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục