Tu bổ di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh

Ngày 26/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bảo tàng TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 5 (TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học “Tầm quan trọng, giá trị lịch sử Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị giam giữ và hy sinh”.

Chú thích ảnh
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều bài tham luận giúp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật về khu trại giam để phục vụ trưng bày, phát huy giá trị di tích sau khi đề án tu bổ, tôn tạo khu trại giam hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết: Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán (hiện nay nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) là mô hình kết hợp đặc biệt giữa bệnh viện và trại giam duy nhất tại Việt Nam, và cũng thuộc dạng hiếm trên thế giới. Do thời gian hoạt động của Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán kéo dài từ thời chiến tranh, các ghi chép, tư liệu về di tích này trong giai đoạn trước 1975 thiếu và thất lạc khá nhiều.

Ông Lê Mạnh Hùng đề nghị, Thành phố cần tăng cường công tác sưu tầm, thu thập, nghiên cứu tư liệu, hình ảnh về di tích khu trại giam trong lòng bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam để nhân dân, các thế hệ hiện nay và mai sau hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng, dấu ấn lịch sử của bệnh viện và di tích trong giai đoạn lịch sử đau thương nhưng kiêu dũng của Sài Gòn - Gia Định và miền Nam Việt Nam.

Về giải pháp bảo tồn di tích, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hà, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố cần nâng cao nhận thức về giá trị đặc biệt của di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán thông qua các hoạt động tìm hiểu về Khu trại giam. Theo đó, những giá trị lịch sử, văn hóa sẽ ngày càng được bồi đắp, các thế hệ của Thành phố, đất nước, nhất là thế hệ trẻ cần hiểu rõ hơn thế hệ cha ông đã sống và chiến đấu trong thời kỳ hào hùng của dân tộc. Bên cạnh đó, Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong nước và bạn bè quốc tế về Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán. Việc truyền bá nhân rộng các thông tin, kiến thức về khu di tích cũng là một cách bảo tồn gián tiếp, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc gìn giữ các di tích của nước nhà.

Chú thích ảnh
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cho rằng, hội thảo nhằm làm rõ giá trị lịch sử cũng như quá trình hình thành của Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán gắn liền với bệnh viện, với phong trào cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta; giúp làm sáng tỏ thêm những sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngoài những bài viết, tham luận, bài nghiên cứu có giá trị được trình bày tại hội thảo, ông Dương Anh Đức đề nghị, các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục có ý kiến, trao đổi, cung cấp thêm các cứ liệu lịch sử liên quan đến Khu di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán qua các thời kỳ, giúp các cơ quan, đơn vị tìm ra những giải pháp tu bổ, tôn tạo Khu di tích đảm bảo giá trị nguyên vẹn của di tích; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian sắp tới. 

Thời gian tới, ông Dương Anh Đức đề nghị, Ủy ban nhân dân Quận 5 tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, các sở, ngành khẩn trương triển khai Đề án “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Khu Trại giam Bệnh viện Chợ Quán - Nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (6/9/1931). 

Ông Dương Anh Đức cũng đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân Quận 5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, quy hoạch, đề xuất đầu tư nâng cấp, cải tạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có quy mô tương xứng, đảm bảo cân đối, hài hòa gắn liền với Khu di tích. 

Chú thích ảnh
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tham quan di tích Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh tin tưởng, sau khi tu bổ, tôn tạo, tổ chức trưng bày lại, Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Khu Trại giam Bệnh viện Chợ Quán sẽ trở thành công trình xứng tầm di tích quốc gia, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử cách mạng của người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung; tạo không gian lưu giữ, trưng bày mỹ thuật và mang lại một công trình có giá trị lịch sử-văn hóa; để lại cho thế hệ sau một di sản văn hóa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. 

“Việc triển khai thực hiện công trình “Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Khu Trại giam Bệnh viện Chợ Quán - Nơi đồng chí Trần Phú hy sinh (6/9/1931)” thể hiện tình cảm và trách nhiệm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh đối với di tích lịch sử này”, ông Dương Anh Đức khẳng định.

Bài, ảnh: Thu Hương (TTXVN)
Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng
Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên, nhà lý luận xuất sắc của Đảng

Cuộc đời cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại một tấm gương sáng chói về chí khí cách mạng và tinh thần kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, cách đây 115 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN