Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn

25/05/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá

Như đã hẹn từ thứ Năm tuần trước, tuần này tôi sẽ kể về chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn.

Trước hết, chim là động vật thấy xuất hiện nhiều nhất trong nghệ thuật Đông Sơn. Trong đó, theo trật tự thống kê từ gần một ngàn tiêu bản tôi đã gom được, ta sẽ thấy ưu thế tuyệt đối thuộc về các loài chim gắn với lối sống ăn bắt thủy sinh ở các thủy vực đầm lầy ven sông, biển với đặc trưng cổ dài, mỏ cả ngắn lẫn dài và chân cao. Chúng được nghệ nhân Đông Sơn đặc tả khiến người xem rất dễ nhận ra như các loài cò, bồ nông, cốc.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 1.

Chiếc muôi Đông Sơn dùng trong lễ thiêng dáng thuyền chiến với tượng một chú bồ nông (hay chim Hồng Hoàng) dùng mỏ lớn cặp một con ếch đang giãy chết

Từ "những cánh cò"

Thoạt đầu, do tài liệu khảo cổ học phát hiện chưa nhiều, có học giả đã dùng tên "Chim Lạc" ám chỉ những chim mỏ dài, chân dài dạng cò bay trên hầu hết các trống đồng như một động vật "tô tem" của cư dân Đông Sơn. Sau này, khoa học phát hiện thêm nhiều loại chim nước chân dài mỏ ngắn không bay khác nữa, cho thấy nhận định trên chưa phải toàn diện.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 2.

Tuy nhiên, thống kê số lượng thì loài chim bay dạng cò trên các mặt trống đồng đang đứng đầu danh sách các loài chim Đông Sơn được mô tả. Theo trật tự bố cục lấy mặt trời làm tâm thì các băng trang trí chim bay trên trống đồng đại diện cho phía Trời. Sát ngay bên dưới là thế giới Người và dưới nữa là thế giới Thú. Trật tự này khá phổ biến và ổn định. Ngay cả trong một vài trường hợp trang trí trên những thạp đẹp nhất, như Hợp Minh, Việt Trì, Gent thì bố cục đó vần giữ nguyên băng Chim (bồ nông, cốc) ở trên, giữa là Người và dưới là Thú.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 3.

Tượng bồ nông bằng đồng trong sưu tập Đông Sơn của bảo tàng Barbier – Mueler, Geneva, Thụy Sĩ

Khi đồ đồng Đông Sơn gắn với tộc Tây Âu được phát hiện nhiều ở vùng miền núi trải từ trung và thượng nguồn sông Hồng đến vùng núi miền tây Thanh - Nghệ, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng của loài chim chân cao mỏ ngắn đuôi rậm. Loài chim này khá giống loài chim cốc bắt cá ven sông và thảng hoặc hóa công với bộ đuôi có vòng lửa. 

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 3.

Cảnh tượng trên một tang trống Đông Sơn: Bầy chim chân dài mỏ ngắn cùng con hươu cái lao theo một chim công đang xòe đuôi múa ở khoảng giữa hai con thuyền mà bên trên kín rợp bởi đàn hải âu bay lượn

Chúng thường đậu cả trên mái các nhà sàn nghi lễ trên mặt trống đồng và đứng xen kẽ giữa các thuyền trên tang trống hay thân thạp. Có vẻ đây mới là loài chim được trân quý hơn loài chim mỏ dài dạng cò bay mang tính trang trí nhiều hơn. Nhiều bằng chứng cho thấy có sự chuyển hóa chúng thành loài công, phượng ở giai đoạn sau.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 5.

Hình ảnh rất quen thuộc như đã thành chuẩn mực trong nghệ thuật tâm linh Đông Sơn: Chim lớn dạng công ngự trên nóc nhà lễ và đàn chim mỏ dài dạng cò bay tản xung quanh (bản rập hoa văn trống đồng Đông Sơn, sưu tập Nguyễn Đình Sử, Hà Nội)

Tới "bộ tứ "Vẹt - Vịt - Hải âu - Cú mèo"

Ngoài ra cần nhắc đến bốn loài chim chiếm giữ vị trí quan trọng trong tâm linh Đông Sơn, đó là con Vẹt, Vịt, Hải âu và Cú mèo (tu hú).

Vẹt từng thấy được dùng làm đĩa đèn bằng đồng ở giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Vịt đồng thường được làm đồ đựng dầu, chân đèn trong các nhà quyền quý. Hải âu gắn với những con thuyền. Riêng Cú mèo với cái đầu to, mắt tròn, mỏ quặp ngắn thấy rất rõ trên thuyền chiến và trên cột nhà Đông Sơn. Chắc cũng còn cần thời gian nữa chúng ta mới có thể giải thích cặn kẽ quan hệ của các loài chim này với thế giới tâm linh Đông Sơn.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 4.

Trật tự thế giới quan khá ổn định của nghệ nhân Đông Sơn: Nắp thạp là bầy linh điểu mang dáng hình khổng tước (chim công), thân thạp chia ba thế giới: Trời – Chim, Đất + Nước của loài người, và dưới đó là Thú. Thạp đồng ba chân Đông Sơn, sưu tập CQK, California, Mỹ)

Trong một chiếc hộp vuông toàn thân chạm khắc hoa văn đuôi công, nắp hộp có 4 con cừu đặc trưng đồ đồng Đông Sơn giai đoạn muộn, có một đĩa sơn then miệng bịt đồng thếp vàng và 5 bát đồng. Duy nhất có một xương chân gà nằm trong chiếc bát nhỏ nhất. Tôi cho rằng, đó là bộ đồ của thầy cúng shaman và chân gà đã tồn tại như một dụng cụ tâm linh của thầy cúng đương thời. Trên mặt trống đồng Ngọc Lũ, Cổ Loa, Hoàng Hạ, thạp Hợp Minh… những con gà luôn quanh quẩn bên cụm người giã và sàng gạo. Trong mộ Kiệt Thượng (Hải Dương) tượng gà trống bằng đồng gắn với một vật dụng bằng gỗ. Một hình gà Đông Sơn đúc dẹt có tay cầm phát hiện ở Thanh Hóa có cán như để gắn vào một vật dụng trang trí nào đó…

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 5.

Có lẽ, khuôn khổ báo hôm nay không kham nổi câu chuyện về thế giới các loài chim được người Đông Sơn mô tả. Chắc chắn, tôi sẽ dành riêng một buổi nói về sự xuất hiện và thể hiện chim Công trong nghệ thuật và thế giới tâm linh của cư dân Đông Sơn. Đó là sự thắng thế của một khuynh hướng giành chiếm vị trí cao nhất của một loài chim trong thế giới tâm linh Đông Sơn đa dạng và nhiều biến động.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 7.

Khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên, chim công (khổng tước, mộ dạ) trở thành một linh điểu ngự trị trong thế giới tâm linh Đông Sơn

Và những chú rùa Đông Sơn

Phần còn lại tôi muốn dành cho các hình tượng Rùa được người Đông Sơn thể hiện. Số lượng rùa trong trang trí Đông Sơn không ít. Chúng được gắn trên các thắt lưng thủ lĩnh và thầy cúng. Chúng xuất hiện bên dưới các mái chèo lái của các con thuyền trên thạp đồng và tang trống đồng. Chúng cũng được dùng trang trí trên các ngọn giáo, lưỡi rìu và giáp trụ của chiến binh Đông Sơn như vị thần hộ mệnh cho họ.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 8.

Một trong số khóa thắt lưng đồng Đông Sơn đang trưng bày tại bảo tàng Barbier-Mueler (Geneva, Thụy Sĩ) với dàn ba cá sấu bên trên và đôi rùa phía dưới.

Hầu hết biểu tượng rùa Đông Sơn đều gần với mặt trời khi nghệ nhân thường dùng một vành tròn có trang trí để thể hiện mai rùa, còn lại là bốn chân và cái đầu đặc tả.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 6.

Hình rùa trên mảnh giáp đồng và trên một ngọn giáo Đông Sơn (sưu tập Lê Anh, Hà Nội)

Khá nhiều thắt lưng đồng của quý tộc Đông Sơn được đúc với những con rùa nước (tương tự con giải ở miền núi). Chiếc thắt lưng khai quật ở Làng Cả (Việt Trì, Phú Thọ) mỗi bên là bốn con rùa. Một số thắt lưng khác rùa đi cùng cá sấu, ếch và khá nhiều trường hợp một mình đôi rùa tạo thành một bộ thắt lưng.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 7.

Ấn tượng nhất là hình rùa được đúc trên những phiến đồng giáp trụ của một thủ lĩnh quân sự lớn phát hiện ở vùng Lào Cai. Mai rùa tròn trang trí như một tấm khiên che đỡ cho chủ nhân. Hình rùa trên các phiến đồng áo giáp rất giống hình rùa trên ngọn giáo vớt ở sông Kinh Thầy, gần khu mộ Kiệt Thượng bên cạnh hình voi. Cũng hình rùa như vậy xuất hiện trên chiếc rìu đồng thuộc sưu tập Nguyễn Văn Phẩm (TP Hồ Chí Minh) bên cành cá sấu.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 8.

Hình ảnh con gà trống Đông Sơn trong sưu tập Bảo tàng Phạm Huy Thông (Hòa Bình)

Nếu Gà trắng ngăn cản An Dương Vương xây thành thì Rùa thần cho móng để giúp ông chế lẫy nỏ liên châu… Không còn nghi ngờ nữa, với hình tượng rùa biểu trưng lòng kính trọng của nghệ nhân Đông Sơn thì rùa nước (giải) đã gia nhập các loài Thú thiêng trong tâm linh Đông Sơn, mang lại sự an toàn cho cộng đồng trước giặc ngoại xâm. Trong trật tự các loài thú được dùng để đúc ấn đương thời thì Rùa chỉ đứng sau Rồng, tương đương các ấn dành cho Hoàng Hậu, Vương hầu… đứng chỉ sau Hoàng Đế.

Chiếc ấn đồng "Tư Phố Hầu Ấn" hiện đang trưng bày tại Bruxell (Bỉ) được một thương nhân Bỉ là ông Huet sưu tầm ở Thanh Hóa năm 1935 - 1936 được cho là của viên quan điển sứ Nam Việt tước Hầu cai quản quận Cửu Chân, khi đó trị sở đặt tại Tư Phố (Làng Giàng, Thiệu Dương, Thanh Hóa). Trên lưng chiếc ấn đó đúc nổi hình một con rùa, tương tự những ấn các phu nhân chết theo trong mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Mạt (cháu Triệu Đà, con Trọng Thủy) nằm tại Quảng Châu (Trung Quốc). Cuộc khai quật của khảo cổ học Việt Nam trong  năm 1960 tại Thiệu Dương cũng đã phát hiện những mộ quý tộc họ Trần mang theo các ấn tước hầu với hình rùa trên lưng những ấn đó.

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất: Chim và rùa trong thế giới tâm linh Đông Sơn - Ảnh 14.

Hình tượng rùa khá ổn định bên dưới các chèo lái của thuyền chiến trên thạp đồng Đông Sơn

Khi "tứ linh" du nhập vào thế giới Đông Sơn (khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên) thì hình tượng Rùa vàng (Kim Quy) luôn cặp đôi với Chim công (Khổng tước) trên trục Bắc Nam, bên cạnh Thanh Long, Bạch Hổ trên trục Đông Tây. Thực tế truyền thống đó có vẻ đã sớm có từ trước trong tâm thức Đông Sơn rồi.

"Rõ ràng, câu chuyện "Voi chín ngà, Gà chín cựa, Ngựa chính hồng mao"… trong yêu cầu sính lễ vua Hùng đặt ra cho Sơn Tinh, Thủy Tinh có lõi thật sâu xa của nó. Câu chuyện gà trắng gáy phá công cuộc đáp thành của An Dương Vương có cùng lớp tâm linh gắn với thần kê nào đó" - TS Nguyễn Việt.

TS. Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm