Photo Hanoi’23: Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

Sự vào cuộc của các tổ chức nước ngoài cùng sự tham gia của nhiều nghệ sỹ quốc tế đang góp phần quảng bá Photo Hanoi’23 và hình ảnh của Thủ đô Hà Nội-Việt Nam.
Photo Hanoi’23 được đánh giá là bước đầu đã có những thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội, định hình thị trường nhiếp ảnh. (Ảnh: Vietnam+)
Photo Hanoi’23 được đánh giá là bước đầu đã có những thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội, định hình thị trường nhiếp ảnh. (Ảnh: Vietnam+)

Photo Hanoi’23 – Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế đầu tiên tại Thủ đô theo mô hình biennale (hai năm một lần) đã đi gần hết chặng đường của mình trong năm nay. Suốt hơn một tháng qua (kể từ 21/4), Hà Nội sôi động trong “những ngày nhiếp ảnh” với hơn 40 triển lãm, tọa đàm, hội thảo, lớp học… được tổ chức khắp địa bàn thành phố.  

Đó là dấu hiệu tích cực cho thấy tham vọng “biến Hà Nội thành thành phố nhiếp ảnh tại châu Á” của ban tổ chức là có cơ sở.

Giúp nhiếp ảnh Việt phát triển

Các liên hoan phim nổi tiếng nhất thế giới đã thành công trong việc tạo dựng thương hiệu cho thành phố chủ nhà chẳng hạn như Cannes, Venice, Toronto, Busan… Tương tự như vậy, các biennale nghệ thuật uy tín hàng đầu hiện nay cũng gắn liền với địa phương tổ chức như: Berlin, Paris, Sydney hay Venice, ngoài ra còn biennale dành riêng cho nhiếp ảnh như Bamako Biennale ở Mali, Objectifs ở Singapore, Kyotographie ở Nhật Bản hay Photo Phnom Penh ở Campuchia.

Photo Hanoi’23: Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới ảnh 1Biennale nhiếp ảnh đầu tiên của Thủ đô thu hút sự quan tâm của công chúng. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Chính hiệu quả quảng bá hình ảnh của các sự kiện này đã thôi thúc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và thành phố Hà Nội “bắt tay” tạo ra Photo Hanoi’23 Biennale với tham vọng chung là “biến Hà Nội thành thành phố nhiếp ảnh tại châu Á.”

Ông Thierry Vergon, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam, Tổng điều phối dự án, khẳng định rằng Photo Hanoi’23 sẽ giúp thế giới sẽ có cái nhìn rõ hơn về những gì diễn ra tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để hiểu hơn về các nền văn hóa khác biệt, giúp nhiếp ảnh Việt Nam trưởng thành hơn thông qua các ví dụ điển hình về những thành tựu của nhiếp ảnh thế giới.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Thierry Vergon đưa ra ví dụ Kyotographie là một sự kiện lớn đã được tổ chức suốt 10 năm qua tại Kyoto, Nhật Bản. Với số khách tham dự sự kiện đông đảo hơn số cư dân của thành phố, hiển nhiên Kyotographie mang đến nhiều lợi ích cho ngành du lịch và nền kinh tế.

“Về mặt truyền thông, các nhiếp ảnh gia, giám tuyển, các nhà sưu tập quốc tế sẽ tụ hội về Hà Nội để tham gia sự kiện. Họ sẽ chia sẻ cảm nhận trên mạng xã hội cũng như mạng lưới các quan hệ của họ khi trở về nước. Qua đó, hình ảnh Hà Nội cũng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn,” ông Vergon nói thêm.

Photo Hanoi’23: Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới ảnh 2Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Philippe Marinig trong một sự kiện tại Photo Hanoi'23. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Philippe Marinig đồng tình với ý tưởng đó. Ông khẳng định rằng các sự kiện văn hóa-nghệ thuật quốc tế luôn mang lại lợi ích về kinh tế bởi đây là một kênh hiệu quả để quảng bá thương hiệu, hình ảnh địa phương.

“Trong khoảng thời gian kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, các nghệ sỹ, giám tuyển, nhà sưu tập từ nhiều nơi trên thế giới sẽ quy tụ về thành phố nơi tổ chức biennale. Hiển nhiên là địa phương sẽ có doanh thu về du lịch, mua sắm, tiêu dùng. Biennale là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa, con người, đất nước,” ông Philippe Marinig nói.

“Nhiếp ảnh là một cái tủ có nhiều ngăn kéo, khi bạn mở ra bạn sẽ thấy nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Việt Nam là một đất nước đang đi lên. Tôi nhìn thấy còn nhiều cơ hội cho Việt Nam và thị trường nhiếp ảnh nghệ thuật tại đây,” ông nói.

Chia sẻ trải nghiệm cá nhân, ông Philippe cho hay cơ hội tham dự một festival nhiếp ảnh quốc tế ở Pháp cách đây 53 năm đã thay đổi cuộc đời ông, “thổi bùng” đam mê nhiếp ảnh và khiến ông quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp.

Photo Hanoi’23: Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới ảnh 3Sự kiện nghệ thuật này mang đến nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các nhiếp ảnh gia trẻ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông cho rằng các liên hoan nghệ thuật mang đến sự khai mở đam mê. Tại đó, các nghệ sỹ trẻ học hỏi được rất nhiều đồng thời có thể xây dựng mối quan hệ với giám tuyển, nhà sưu tập. Ông đánh giá cao Photo Hanoi’23 và khẳng định sự kiện bước đầu đã có những thành công trong việc quảng bá hình ảnh Hà Nội, định hình thị trường nhiếp ảnh và tạo dựng hệ sinh thái cho nhiếp ảnh gồm gallery, bảo tàng, nghệ sỹ, giám tuyển, nhà sưu tập, nhà phê bình, công chúng…

Để festival trở thành 'vườn ươm' nghệ thuật

Vai trò của liên hoan nhiếp ảnh quốc tế đã được khẳng định. Vậy làm thế nào để phát huy và cải thiện cách tổ chức trong những kỳ liên hoan tiếp theo là bài toán không đơn giản đối với nhà tổ chức.

Mang vấn đề này hỏi các chuyên gia, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus nhận được nhiều “chìa khóa” như: Tính liên tục, sự chuyên nghiệp, đào tạo, truyền thông…

Photo Hanoi’23: Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới ảnh 4Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia, nghệ sỹ quốc tế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ kinh nghiệm tổ chức Photo Phnom Penh Festival (có lịch sử từ năm 2008), ông Valentin Rodriguez, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Campuchia, cho rằng tính liên tục là điều rất quan trọng. Ngay cả trong giai đoạn COVID-19, sự kiện nhiếp ảnh này vẫn được tổ chức.

“Suốt 15 năm qua có hơn 200 nghệ sỹ có tác phẩm trưng bày tại Photo Phnom Penh Festival. Họ mang nhiều quốc tịch khác nhau: Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Slovakia và cả Việt Nam. Liên hoan này như một ‘lò ấp,’ ‘vườn ươm’ đối với các nghệ sỹ trẻ, do đó sự kiện này rất được mong chờ,” ông Valentin Rodriguez cho biết.

[Viện Pháp tại Hà Nội: Hỗ trợ các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo]

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông giáo dục công chúng để họ yêu thích nhiếp ảnh. Nếu làm tốt điều này, thị trường nghệ thuật sẽ có thêm nhiều nhà sưu tập. Hoạt động sáng tạo phải hướng đến công chúng, đó là điều nghệ sỹ phải quyết định ngay từ khi bắt đầu sáng tác.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho nghệ sỹ tăng thu nhập, ông Valentin Rodriguez gợi ý rằng liên hoan nghệ thuật có thể song hành cùng hoạt động đào tạo, giảng dạy. Các nghệ sỹ có thể tham gia giảng dạy tại các workshop trong khuôn khổ liên hoan, hoặc các trường nghệ thuật. Ông cho rằng đó là một yếu tố quan trọng để xây dựng hệ sinh thái nhiếp ảnh chuyên nghiệp và đồng bộ.

Ông Pascal Beausse, Giám đốc phụ trách bộ sưu tập nhiếp ảnh tại Trung tâm quốc gia về Nghệ thuật thị giác tại Pháp cũng cho rằng liên hoan nghệ thuật là “bệ phóng”, “đòn bẩy” đối với các nghệ sỹ trẻ mới vào nghề. Cơ quan của ông Pascal Beausse thường ưu tiên mua tác phẩm của họ, hỗ trợ họ tổ chức triển lãm đầu tay, tiến hành đặt hàng nghệ sỹ. Điều này không chỉ giúp đỡ họ về mặt tài chính mà còn là một sự ghi nhận, động viên tinh thần to lớn.

“Là một cơ quan nhà nước, chúng tôi thu thập được những tác phẩm có cái nhìn mới mẻ về thế giới. Do đó, chúng tôi luôn chú ý đến sự bình đẳng trong khi sưu tập tác phẩm, cụ thể là tỷ lệ giới, yếu tố vùng miền của nghệ sỹ, ” ông Pascal Beausse chia sẻ.

Từ góc nhìn của “người trong cuộc,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đương đại VICAS Art Studio (Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho rằng các liên hoan nghệ thuật tại Việt Nam còn thiếu cơ sở nền tảng nghiên cứu dữ liệu, trong nhiều trường hợp vẫn mang tính thời điểm, kỷ niệm, nghĩa là được tổ chức nhân dịp chào mừng một sự kiện nào đó của đất nước.

“Từ kinh nghiệm tham gia tổ chức Vietnam Design Week và Liên hoan Thiết kế sáng tạo Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta cần dựa trên đánh giá nghiên cứu thực tế, có đánh giá của công chúng, để từ đó xây dựng festival đi theo đường dài như mô hình Photo Phnom Penh,” Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Photo Hanoi’23: Cơ hội quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới ảnh 5Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế gồm nhiều sự kiện tọa đàm, thảo luận về nhiếp ảnh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngoài ra, nhà tổ chức cần tối đa hóa nguồn lực trong nước và quốc tế, tận dụng sự hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nguồn lực cho văn hóa nghệ thuật của Việt Nam còn hạn chế.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất tiến hành chương trình đào tạo nâng cao năng lực tổ chức liên hoan, cụ thể là nhân lực ở các khâu tổ chức sự kiện, gây quỹ, phát triển đối tác chiến lược, truyền thông…

Có như vậy, liên hoan nghệ thuật quốc tế Việt Nam mới từng bước chuyên nghiệp, hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh đất nước và mang lại nguồn lợi kinh tế, xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục