Mỹ sẽ bán hệ thống phòng không trị giá 285 triệu USD cho Ukraine

Ngày 24/5, Mỹ cho biết nước này đã thông qua thương vụ bán hệ thống phòng không NASAMS và các thiết bị liên quan trị giá 285 triệu USD cho Ukraine. 

Chú thích ảnh
Xe quân sự Bradley của quân đội Mỹ tuần tra tại tỉnh Hasakeh, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết hệ thống này sẽ giúp Ukraine tăng khả năng phòng thủ, bảo vệ người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Theo DSCA, thương vụ này cũng giúp Mỹ đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia trong chính sách đối ngoại của nước này bằng cách tăng cường an ninh cho một quốc gia đối tác, góp phần thúc đẩy ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở châu Âu. Tuy nhiên, thương vụ này không bao gồm việc bổ sung thêm bất kỳ nhân viên hoặc nhà thầu nào của Chính phủ Mỹ đến Ukraine. 

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ này và DSCA cũng đã thông báo lên Quốc hội Mỹ, cơ quan cũng có trách nhiệm xem xét thông qua giao dịch trên. 

Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã hỗ trợ Ukraine hàng chục tỷ USD tiền thiết bị quân sự nhưng việc cung cấp vũ khí lần này của Mỹ là một vụ mua bán. 

Trong khi đó, trong một bức thư gửi Quốc hội Hà Lan ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Kajsa Ollongren cho biết nước này muốn đào tạo các phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 càng sớm càng tốt. Theo bà Ollongren, khóa đào tạo sẽ được phối hợp với Bỉ, Đan Mạch và Anh. Các nước khác cũng có thể tham gia chương trình này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjoern Arild Gram cho biết Na Uy sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, Chính phủ Na Uy hiện chưa quyết định về việc có cung cấp bất kỳ máy bay F-16 nào cho Ukraine hay không.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ các chương trình đào tạo phi công Ukraine lái F-16 và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đảm bảo với ông Biden rằng những chiếc máy bay này sẽ không vượt sang lãnh thổ Nga. Hôm 23/5 vừa qua, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng việc huấn luyện các phi công Ukraine lái F-16 sẽ không khiến tổ chức quân sự này trở thành một bên tham chiến trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Phương Tây cũng nhiều lần khẳng định không muốn gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga. Về phần mình, phía Nga cho rằng việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine sẽ làm tăng nghi ngờ về vai trò của NATO trong cuộc xung đột này.

Trần Quyên (TTXVN)
Thủ tướng Hungary kêu gọi xúc tiến các biện pháp hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine
Thủ tướng Hungary kêu gọi xúc tiến các biện pháp hòa giải cho cuộc xung đột Nga - Ukraine

Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không sẵn lòng triển khai quân đội liên minh tới Ukraine và kêu gọi các bên đạt được giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN