Băng ở Nam Cực tách ra do vụ núi lửa phun trào gây sóng thần tại Tonga

Ảnh viễn thám cho thấy một tảng băng có diện tích khoảng 45km2 dường như đã tách ra khỏi mặt trước của lưỡi băng Drigalski ở Nam Cực, sau trận sóng thần do phun trào núi lửa ở Tonga hồi năm ngoái.
Băng ở Nam Cực tách ra do vụ núi lửa phun trào gây sóng thần tại Tonga ảnh 1Vết nứt tại thềm băng Larsen C ở Nam Cực, tháng 2/2017. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Trận sóng thần do vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai tại Tonga năm ngoái đã khiến một phần của lưỡi băng Drigalski ở Nam Cực tách ra.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học thuộc Trường Khoa học và Kỹ thuật Địa không gian, Đại học Tôn Trung Sơn (Trung Quốc), vừa được công bố trên tạp chí Science Bulletin.

Ngày 15/1/2022, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai ở ngoài khơi Tonga đã phun trào trở lại. Các nghiên cứu trước đây về tác động của vụ phun trào núi lửa tại quốc đảo Tonga chú trọng tới những nhiễu động khí quyển, nhưng các nhà nghiên cứu hiện cho rằng hiện tượng này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng khác nữa.

Theo nghiên cứu mới, vụ phun trào mạnh gây ra sóng thần lan rộng ra hơn 6.000km và ập đến bờ biển Victoria Land, Nam Cực. Chưa đầy 2 giờ sau khi sóng thần lan đến, một vết nứt xuất hiện ở phía trước lưỡi băng.

[Núi lửa ở Tonga có sức công phá gấp hàng trăm lần vụ ném bom Hiroshima]

Dữ liệu ảnh viễn thám sau đó cho thấy một tảng băng có diện tích khoảng 45 km2 dường như đã tách ra khỏi mặt trước của lưỡi băng Drigalski.

Các nhà nghiên cứu cho biết phần lưỡi băng Drygalski này dài 140km và cao khoảng từ 300-700m. Trong 70 năm qua, phần lưỡi băng này đã vỡ ra hai mảnh lớn.

Theo Giáo sư Cheng Xiao tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Địa không gian, nghiên cứu cung cấp chi tiết bằng chứng qua quan sát và xác nhận mối liên quan giữa sóng thần và tảng băng trôi.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy các hiện tượng cực đoan bên ngoài các vùng cực có thể ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của thềm băng ở Nam Cực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục