Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia-Lễ hội Mường Ca Da

Lễ hội Mường Ca Da là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời ở huyện vùng cao Quan Hóa, được khôi phục từ năm 2008 và tổ chức 5 năm một lần.
Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia-Lễ hội Mường Ca Da ảnh 1Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Lễ hội Mường Ca Da là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo và nhân dân huyện Quan Hóa. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Tối 27/3, tại khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã diễn ra Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia-Lễ hội Mường Ca Da.

Đây là một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời ở huyện vùng cao Quan Hóa, được khôi phục từ năm 2008 và tổ chức 5 năm một lần. Hàng nghìn người Thái, người Lào ở khu vực biên giới miền Tây Thanh Hóa và tỉnh Huaphanh của Lào, đã tập trung về huyện Quan Hóa để tham dự lễ hội.

[Lễ hội đền Bà Triệu là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia]

Lễ hội Mường Ca Da nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công lao nhân vật lịch sử "Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban," vị thủ lĩnh tài ba, giỏi võ nghệ, đã có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi nước ta.

Ông cũng là người có công khai phá vùng đất Mường Ca Da của cộng đồng người Thái cổ (huyện Quan Hóa ngày nay). Tưởng nhớ công ơn của ông, người dân Mường Ca Da đã lập đền thờ ông trên sườn đồi Pom Kéo thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. 

Lễ hội gồm: phần lễ với điểm nhấn là lễ rước kiệu từ chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng lĩnh thống quân Khằm Ban, lễ Xên Mường, lễ Tay-Ắm-Oóc, lễ Khun Mục Pục Tứn (lễ mộc dục); lễ công bố quyết định công nhận Lễ hội Mường Ca Da là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia...

Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia-Lễ hội Mường Ca Da ảnh 2 Trình diễn trống, chiêng trong Lễ hội Mường Ca Da năm 2023. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Tiếp đó, phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa mang tên "Huyền sử Mường Ca Da" tái hiện lại các tích xưa về sự hình thành nên mảnh đất Mường Ca Da; thân thế, sự nghiệp của Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban cũng như những phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Thái đất Mường Ca Da, từ đó thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ đối với vị thần có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, xây dựng Mường Ca Da trở nên phồn thịnh.

Ngoài ra, từ ngày 26-28/3, tại Lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc của các đội thi đến từ 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quan Hóa với các trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc như kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ, đi cà kheo đá bóng, gói bánh ú; trình diễn các điệu khặp nổi tiếng như khặp giao duyên, khặp tiễn dặn người yêu, khặp xuống đồng, khặp chèo thuyền...; cuộc thi thiếu nữ đẹp trong sắc phục dân tộc; trình diễn dệt thổ cẩm, gian trưng bày đặc sản...

Đặc biệt, trong khuôn khổ của lễ hội diễn ra nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam-Lào giữa 2 huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) và Viengxay (Huaphanh-Lào), thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân và du khách.

Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia-Lễ hội Mường Ca Da ảnh 3Phần lễ trong Lễ hội Mường Ca Da diễn ra với điểm nhấn là lễ rước kiệu từ chùa Ông đến đền thờ Thượng tướng lĩnh thống quân Khằm Ban. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Lễ đón nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Ca Da là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực của chính quyền các cấp và nhân dân huyện Quan Hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Thông qua các hoạt động của lễ hội góp phần tuyên truyền về truyền thống lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Quan Hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Lễ hội Mường Ca Da được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2019 ở hạng mục lễ hội truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục