Xây dựng Châu Hương Viên trở thành điểm sinh hoạt thơ ca xứ Huế

Sáng 25/3, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ khởi công công trình Bảo tồn, tu bổ di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên, thành phố Huế.

Đây là công trình gắn liền với danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị - một nhà thơ nổi tiếng, có công rất lớn trong việc phát triển thơ văn, tuồng và ca Huế.

Chú thích ảnh
Châu Hương Viên xuống cấp nghiêm trọng, được cảnh báo nguy hiểm. 

Dự án có tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như: tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại nhà chính, nhà phụ, bình phong và cải tạo, chỉnh trang sân vườn mặt trước, khu vực xung quanh khuôn viên, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng… Thời gian dự kiến hoàn thành dự án trong 1 năm.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho biết, Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cánh chim đầu đàn, người có công hồi sinh và phát triển loại hình Ca Huế. Từ những tổ chức, câu lạc bộ về Ca Huế do ông khởi xướng, đến nay ở thành phố Huế đã có một hệ thống các câu lạc bộ về Ca Huế phong phú, hoạt động sôi nổi với hơn 500 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công. Việc tu bổ, tôn tạo di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên là bước đi quan trọng, có tính định hướng cao trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị lịch sử của địa phương, xây dựng nơi đây trở thành một địa chỉ văn hóa, điểm sinh hoạt Ca Huế đặc sắc, hấp dẫn.

Chú thích ảnh
Một phần gian nhà chính công trình Châu Hương Viên đã bị bay mái. 

Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877 - 1961) tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Bình (Ưng Bình là tên, hiệu là Thúc Giạ Thị). Ông sinh ra tại làng Vỹ Dạ, trong một gia đình hoàng tộc, có truyền thống văn chương.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một nhà thơ nổi tiếng của xứ Huế, để lại cho đời gần 2.000 bài thơ chữ Việt và chữ Hán. Ông còn được biết đến là nhà soạn tuồng tài ba và là người có công lao to lớn trong việc hình thành, phát triển Ca Huế thính phòng.

Năm 1933, sau khi rời chốn quan trường, ông Ưng Bình mua lại mảnh vườn bên bờ sông Hương thuộc thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế (nay thuộc thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để xây dựng Châu Hương Viên. Châu Hương Viên gồm các công trình kiến trúc độc đáo là ngôi nhà rường chính 3 gian 2 chái, đình Lộc Minh, bình phong, sân vườn... được bố trí trong không gian rộng hàng ngàn mét vuông.

Chú thích ảnh
Ngôi nhà rường bằng gỗ đã bị mối mọt ăn hại, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. 

Cuối năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định xếp hạng di tích Ưng Bình tại Châu Hương Viên là di tích lịch sử cấp tỉnh. Trải qua hơn nửa thế kỷ hoang phế, bị tác động của thời tiết, phần lớn công trình đã bị lấn chiếm, xuống cấp nặng nề, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đức Lộc, sau khi được tu bổ, tôn tạo, đơn vị sẽ xây dựng đề cương trưng bày một số hình ảnh, sách báo tại di tích; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân biến Châu Hương Viên trở thành một địa chỉ sinh hoạt của các Câu lạc bộ thơ, chương trình biểu diễn Ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch. Đây cũng là điều mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Bài và ảnh: Mai Trang (TTXVN)
'Di sản' áo dài xứ Huế
'Di sản' áo dài xứ Huế

Thừa Thiên - Huế vốn là chiếc nôi sản sinh của áo dài ngũ thân, đồng thời là mảnh đất gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển áo dài Việt Nam suốt hàng trăm năm qua. Xuyên suốt thời gian giữ vai trò là kinh đô của đất nước, Cố đô Huế cũng là Kinh đô áo dài Việt Nam, nổi danh bởi “chế độ y quan” rực rỡ - biểu trưng cho một triều đại phương Đông. Chính vì thế, áo dài là bản sắc văn hóa vùng đất, nét đẹp của con người xứ Huế. Cùng với sự đổi thay của lịch sử, áo dài qua từng thời đại đã có không ít sự điều chỉnh. Tuy nhiên, dù điều chỉnh ra sao, áo dài vẫn là quốc phục, niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung và là “món ăn tinh thần” thể hiện bản sắc riêng của văn hóa vùng đất Cố đô Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN