Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong sự phát triển ở Việt Nam

Chiều 24/3, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND Hà Nội tổ chức “Hội thảo quốc tế Phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam.”
Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong sự phát triển ở Việt Nam ảnh 1Toàn cảnh hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam.” (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Chiều 24/3, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức “Hội thảo quốc tế Phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới trong phát triển bền vững tại Việt Nam.”

Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày Việt Nam phê chuẩn Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Tham dự có ông Lazarre Eloundou, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo thành phố Hà Nội và một số tỉnh có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.

Các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, khẳng định sự đóng góp của di sản đối với chiến lược phát triển bền vững của đất nước nói chung và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng.

Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết sau khi được UNESCO công nhận Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội là Di sản Văn hóa Thế giới, Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đã tập trung cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật, phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di sản để tuyên truyền và lưu lại cho các thế hệ mai sau.

[Bảo vệ Di sản Thế giới vì tự cường và phát triển bền vững] 

Các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản được tập trung và đẩy mạnh; các cuộc trưng bày, triển lãm đã thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, học tập; các hoạt động nghiên cứu khoa học có những kết quả tốt đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của khu di sản… Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong sự phát triển ở Việt Nam ảnh 2Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Tại hội thảo, các Ban Quản lý đề cập những khó khăn, vướng mắc và những giải pháp trong quá trình bảo tồn và quản lý di sản, những thách thức như cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; bảo tồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; phát huy di sản trong môi trường số…

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An chia sẻ một trong những bất cập của khu đô thị cổ Hội An là những thách thức cần được giải quyết về các mối quan hệ giữa bảo tồn để phát triển; bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại; mối quan hệ giữa vấn đề về dân số, dân cư trong sự biến động liên quan đến việc bảo tồn những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong quan hệ xã hội, cộng đồng, gia đình; mối quan hệ giữa lợi ích của cả cộng đồng với quyền và lợi ích của từng nhóm cá nhân và từng cá thể...

Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Lazare Eloundou Assomo đã giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn, quy trình thủ tục, hướng dẫn cách thức, trình tự tháo gỡ khó khăn và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.

Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới như cần tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục