Hưng Yên: Thuận lợi trong triển khai Chương trình giáo dục mới

Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội nhận định: "Chương trình giáo dục mới bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng hào hứng của giáo viên và học sinh, phát huy tính chủ động, linh hoạt của các nhà trường."
Hưng Yên: Thuận lợi trong triển khai Chương trình giáo dục mới ảnh 1Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

"Chương trình giáo dục mới bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng hào hứng của giáo viên và học sinh, phát huy tính chủ động, linh hoạt của các nhà trường."

Đây là nhận định của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi làm việc tại Hưng Yên ngày 15/3, nhằm đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Đào Hồng Vận, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên cho biết nhiều năm qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục hướng dẫn áp dụng nhiều phương pháp giáo dục mới như dạy học tích cực, giáo dục STEM, giáo dục thông minh... Do đã được làm quen, vận dụng thành thạo các phương pháp giáo dục mới, phần lớn giáo viên không bỡ ngỡ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương để triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng và ban hành các Chương trình, Đề án để phát triển giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học theo hướng hiện đại hóa, phù hợp với xu hướng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của người học, mang lại hiệu quả thiết thực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội.

Tuy nhiên, do thay đổi về trình độ đào tạo đối với giáo viên khối mầm non và tiểu học theo Luật Giáo dục năm 2019, nguồn tuyển dụng đối với 3 cấp học còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, môn học, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương rà soát vị trí việc làm, số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học, đồng thời quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với giáo viên theo quy định.

[Bảo đảm chất lượng giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục mới]

Theo Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phê, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được xây dựng trên quan điểm giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ.

Sở thường xuyên tổ chức tập huấn cho giáo viên bổ sung kiến thức trong đổi mới phương pháp và kỹ năng dạy học tích cực, bồi dưỡng giáo viên Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, giáo viên Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp trung học cơ sở... Hiện nay, cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy môn Tin học và Công nghệ ở khối lớp 3; môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở khối lớp 6 và lớp 7.

Tuy nhiên, trong bối cảnh gia tăng dân số cơ học do địa bàn Hưng Yên đang có nhiều khu công nghiệp thu hút số lượng lớn lao động có con em trong độ tuổi đi học, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục rơi vào tình trạng quá tải sĩ số, việc triển khai Chương trình gặp khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở một số cơ sở giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ. Phòng học bộ môn, phòng thực hành tin học của một số nhà trường còn thiếu trang bị phục vụ cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc mua sắm một số thiết bị dạy học còn chưa kịp thời.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ đánh giá cao sự quan tâm, đầu tư, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đối với ngành Giáo dục nói chung và việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông nói riêng.

Ông Đinh Công Sỹ chia sẻ qua khảo sát thực tế tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn các huyện Tiên Lữ, Yên Mỹ, thành phố Hưng Yên, Đoàn giám sát nhận thấy tâm lý vui vẻ, phấn khởi của các giáo viên khi được trao quyền chủ động, sáng tạo trong việc dạy học theo chương trình mới. Học sinh hầu hết đều hào hứng, thích thú khi tham gia các hoạt động thực tế, vận dụng kiến thức mới vào cuộc sống. Qua đó cho thấy, tỉnh Hưng Yên rất nỗ lực trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Hưng Yên tiếp tục bổ sung vào báo cáo các thông tin, tài liệu liên quan đến công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; làm rõ hơn việc huy động nguồn kinh phí đầu tư cho đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bổ sung thêm các ý kiến phản hồi của giáo viên về các nội dung giảng dạy trong Chương trình giáo dục phổ thông, công tác tuyển dụng biên chế trong lĩnh vực giáo dục và giá sách giáo khoa; việc biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương, những khó khăn của các cơ sở giáo dục khi sáp nhập..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục