Trường đại học đổi mới đào tạo để sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề

Khảo sát nhu cầu nhân lực, mở ngành học mới, tăng chính sách ưu đãi và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp là cách mà Trường Đại học Lâm nghiệp đang thực hiện để sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề.

Từ 2023, Trường Đại học Lâm nghiệp mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội, như: Logistics, tài chính - ngân hàng…

GS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp lý giải: “Nhu cầu xã hội cho những ngành này còn rất lớn trong khi đó chúng tôi có nhiều thế mạnh và có hơn 10 Tiến sĩ về lĩnh vực này. Chúng tôi tích hợp chương trình quốc tế của nhiều trường tiên tiến xây dựng riêng cho một chương trình có chỗ đứng”.  

Để tìm bài toán đào tạo cho sinh viên ra trường có việc làm, GS. Phạm Văn Điển đưa ra con số thực tế đã khảo sát như: “Nhu cầu về kỹ sư Lâm nghiệp lên tới trên 500 người mỗi năm. Nỗ lực của nhân loại trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu cùng với tính không biên giới của dịch vụ môi trường rừng và con số giá trị xuất khẩu lâm sản của Việt Nam năm 2022 được dự báo đạt trên 16,5 tỷ USD đã nói lên nhu cầu cao về nhân lực ngành lâm nghiệp. Chỉ tiếc là thông tin về nội dung này còn ít ỏi, ít được chia sẻ, nên xã hội ít biết đến".

GS Điển phân tích, chỉ tính riêng nhu cầu về quản lý rừng và lâm sản, căn cứ định mức bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm đảm nhận và diện tích rừng rộng lớn (14,7 triệu hecta), hiện cả nước cần thêm gần 9.000 cán bộ kiểm lâm; hay như ngành gỗ đang tạo giá trị thặng dư rất lớn (xuất siêu năm 2022 ước đạt trên 13 tỷ USD), nên mỗi năm cần thêm hàng trăm kỹ sư thiết kế nội ngoại thất và chế biến gỗ cũng như cần nhiều cử nhân về quản trị thương mại gỗ và lâm sản; hoặc nhu cầu nhân lực làm nghiên cứu, bảo tồn, cứu hộ, giám định, nhân nuôi, chữa bệnh, thương mại động thực vật hoang dã cũng rất lớn. Con số này thiếu hàng nghìn người.  

GS. Phạm Văn Điển cũng chỉ ra, nhu cầu về kỹ sư Lâm nghiệp cũng lên tới trên 500 người mỗi năm không chỉ ở phân đoạn tạo giống, cung ứng nguyên liệu lâm sản cho chế biến thương mại, mà còn cần trong việc điều tra, đo tính, thẩm định, giám sát, xác minh các giá trị dịch vụ của rừng, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, thương mại gỗ và lâm sản…

Vì thế, cơ hội trở thành “Chủ doanh nghiệp chế biến gỗ”, “Chủ gỗ”, “Chủ trang trại động vật hoang dã”, “Chủ hợp tác xã khởi nghiệp từ rừng”… có triển vọng trở thành hiện thực nếu các bạn trẻ tốt nghiệp tại Trường Đại học Lâm nghiệp.  

Thực tế ngày càng chứng minh rằng, khởi nghiệp từ rừng, từ nghề gỗ hoặc từ bất kỳ mắt xích nào trong chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu đều là một lựa chọn tốt. GS. Phạm Văn Điển cho biết: “Nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Lâm nghiệp đã trở thành nhà giáo cốt cán, nhà khoa học đầu đàn tại các Trường đại học khác có đào tạo về nông lâm nghiệp. Nhiều người đang giảng dạy tại các Trường đại học ở nước ngoài Canada, Nga, Mỹ, Đức, Úc…".

Video GS. Phạm Văn Điển chia sẻ về cơ hội làm việc trong lĩnh vực nông lâm:

Theo GS. Phạm Văn Điển, giải pháp của trường hiện nay là với những ngành hiện có trường tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng sinh viên, nhấn mạnh chương trình liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Trường vừa cấp học bổng cho sinh viên và hỗ trợ về học kỳ doanh nghiệp. Mặt khác là sẵn sàng có thể tuyển sinh đi du học vào bất cứ thời điểm nào của khoá học đó.  

 

Lê Vân/Báo Tin tức
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Nội đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Nội đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, do tác động của dịch COVID-19, nên công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trung cấp) gặp khó khăn. Do đó, các trường cao đẳng, trung cấp đẩy mạnh liên kết đào tạo với doanh nghiệp theo nhu cầu thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN