Trung Quốc lên tiếng về dòng vũ khí đổ vào chiến trường Ukraine

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Dai Bing cáo buộc một số quốc gia thiếu chân thành khi một mặt khẳng định hỗ trợ các cuộc đàm phán Nga - Ukraine, mặt khác lại rót vũ khí cho Kiev.  

Chú thích ảnh
Đức đã quyết định cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ảnh: EPA-EFE

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về dòng vũ khí hạng nặng đang được rót vào chiến trường Ukraine, đồng thời cáo buộc các nước thiếu chân thành trong thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa hai bên xung đột. 

Tại buổi họp báo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Ukraine hôm 4/2, Đại sứ Trung Quốc Dai Bing kêu gọi tất cả các quốc gia nên ưu tiên các vấn đề nhân đạo và giúp Ukraine sớm lấy lại hòa bình.

“Trung Quốc một lần nữa kêu gọi các bên liên quan ghi nhớ lợi ích của người dân, nỗ lực thúc đẩy hòa bình và cố gắng bằng mọi cách có thể để thúc đẩy các bên xung đột nối lại đàm phán hòa bình và chấm dứt chiến tranh sớm”, nhà ngoại giao trên tuyên bố, đồng thời khẳng định Bắc Kinh luôn đứng về phía hòa bình, đối thoại. 

Ông Dai Bing cho rằng xung đột Nga - Ukraine trên thực địa không có dấu hiệu giảm bớt, trong khi tìn hình ở đó vẫn nghiêng về giải pháp quân sự nhiều hơn và một số lượng lớn vũ khí hạng nặng tiếp tục đổ vào chiến trường. Ông dường như ám chỉ việc Mỹ và các nước khác đang tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine

“Cộng đồng quốc tế lấy làm tiếc về thiệt hại nhân đạo của cuộc xung đột. Nhưng các bên liên quan đã thiếu chân thành khi thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và quyết tâm giải quyết vấn đề về mặt chính trị”, ông Dai nói thêm.

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn khoản hỗ trợ an ninh bổ sung trị giá 425 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số tiền viện trợ quân sự cho Kiev dưới thời chính quyền của ông lên 30 tỷ USD.

Đợt viện trợ mới nhất bao gồm đạn súng cối, đạn pháo, đạn dược, súng máy hạng nặng và rocket từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc. 1,75 tỷ USD khác đã được cấp cho quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine.

“Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để giúp Ukraine đáp ứng nhu cầu chiến trường trước mắt và các yêu cầu hỗ trợ an ninh dài hạn”, Lầu Năm Góc nhấn mạnh. 

Mỹ cùng với ít nhất 30 quốc gia đã cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch vào tháng 2/2022, trong đó có Đức và Anh, những nước gần đây đã đồng ý cung cấp xe tăng Leopard và Challenger.

Hungary và Áo đã cùng nhau tuyên bố vào tuần trước rằng họ sẽ không cung cấp vật tư quân sự cho Ukraine để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa, nhưng sẽ giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh và cung cấp viện trợ nhân đạo.

“Vào thời điểm xung đột vũ trang vẫn còn dai dẳng, các vấn đề nhân đạo cần được ưu tiên”, Đại sứ Dai lưu ý. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nêu cao tinh thần nhân đạo, tăng cường cứu trợ cho tất cả những người bị ảnh hưởng và đẩy nhanh sửa chữa cơ sở hạ tầng dân sự, nhằm giảm thiểu tác động của cuộc xung đột đối với cuộc sống của người dân.

Bắc Kinh không lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, nhưng kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.

Theo Đại sứ Dai Bing, trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng tăng, các biện pháp trừng phạt mang tính chất cố ý và ngăn chặn dòng chảy của chuỗi cung ứng và công nghiệp sẽ chỉ làm trầm trọng thêm hiệu ứng gợn sóng của cuộc khủng hoảng, đồng thời gây thiệt hại nặng nề cho toàn bộ thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Tình báo Estonia tiết lộ niềm tin của ông Putin, Mỹ nói đã lập liên minh toàn cầu ủng hộ Ukraine
Tình báo Estonia tiết lộ niềm tin của ông Putin, Mỹ nói đã lập liên minh toàn cầu ủng hộ Ukraine

Trong khi niềm tin của người đứng đầu nước Nga có thể khiến Ukraine phải lo ngại thì những cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong thông điệp liên bang thứ 2 trong nhiệm kỳ có thể là sự khích lệ đối với Kiev.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN