Pháp kêu gọi Mỹ minh bạch về trợ cấp liên quan Đạo luật Giảm lạm phát

Các bộ trưởng kinh tế của Pháp và Đức sẽ đến Washington ngày 7/2 tới để thảo luận với phía Mỹ về Đạo luật Giảm lạm phát - đạo luật đang khiến châu Âu quan ngại về việc cạnh tranh không công bằng.
Pháp kêu gọi Mỹ minh bạch về trợ cấp liên quan Đạo luật Giảm lạm phát ảnh 1Ngày 5/12/2022, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cam kết hợp tác giải quyết những quan ngại của EU về Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên quan Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire ngày 3/2 kêu gọi Mỹ “minh bạch” về các khoản trợ cấp xanh và giảm thuế gây tranh cãi.

Ngày 7/2 tới, Bộ trưởng Le Maire và người đồng cấp Đức Robert Habeck sẽ đến Washington (Mỹ) để thảo luận với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen về IRA.

IRA là một đạo luật chi tiêu mang tính bước ngoặt của Mỹ song hiện khiến châu Âu lo ngại - đạo luật này dành khoảng 370 tỷ USD để trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ, trong đó có việc giảm thuế đối với các mặt hàng ôtô điện và pin do nước này sản xuất.

Cạnh tranh không công bằng và thiệt hại tài sản thế chấp nếu các công ty chuyển ra ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) là những điều châu Âu quan ngại.

Bộ trưởng Le Maire cho rằng IRA mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh đi đôi với mức giá năng lượng rất thấp tại Mỹ, vì thế sẽ đặt ra mối đe dọa đối với các ngành nghề của EU.

Điều quan trọng nhất là EU cần hợp tác với các đồng minh để có được sự minh bạch về các khoản trợ cấp và các tín dụng thuế cụ thể trong khuôn khổ áp dụng IRA. Chẳng hạn, nếu nắm rõ được mức giá khí hydro xanh áp dụng tại Mỹ và tại châu Âu, điều này sẽ đảm bảo các điều kiện cạnh tranh công bằng.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các điều khoản phù hợp để được hưởng các khoản trợ cấp của Mỹ, tuy nhiên EU vẫn cần nắm thông tin về các khoản trợ cấp cụ thể để các điều khoản liên kết này có hiệu lực.

Ông Le Maire hy vọng Washington sẽ đảm bảo một hướng tiếp cận mang tính hợp tác đối với hầu hết các hoạt động đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực nhạy cảm, như lĩnh vực bán dẫn.

Thách thức hiện nay - theo ông Le Maire - không phải là chiếm lĩnh được các thị trường có tính cạnh tranh cao mà là các bên cần giúp nhau cùng phát triển một ngành công nghiệp xanh cạnh tranh hiệu quả tại Mỹ và châu Âu.

[Nhiều nước EU lo ngại vấn đề chạy đua trợ cấp với Mỹ]

Ngày 1/2 vừa qua, EC đã đề xuất cho phép tăng các mức độ trợ cấp nhà nước dành cho các doanh nghiệp tại EU để có thể cạnh tranh công bằng với Mỹ trong cuộc đua trở thành trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh khác, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước thành viên vẫn chưa đạt đồng thuận về cách thức tiếp cận này.

Mới đây, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết Mỹ coi việc giải quyết những mối quan ngại của EU về luật trợ cấp xanh của Mỹ là ưu tiên của nước này.

Phát biểu với báo giới trước thềm cuộc gặp Ủy viên Thương mại của EU Valdis Dombrovskis, bà Tai cho rằng nhóm làm việc mà các đối tác thương mại xuyên Đại Tây Dương thành lập hồi tháng 10/2022 để giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa Mỹ và EU liên quan đạo luật IRA đang hoạt động tích cực.

Bà Tai nhấn mạnh "Nhóm công tác đang làm việc và thực sự được đích thân Tổng thống Joe Biden dành ưu tiên cao nhất."

Các vấn đề cần giải quyết là phức tạp và quan trọng đối với cả mối quan hệ Mỹ-EU và việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Mỹ không tìm cách để sở hữu chuỗi cung ứng hoàn toàn trong nước và muốn tạo ra chính sách thương mại với các đồng minh, bà Tai cho hay.

Pháp kêu gọi Mỹ minh bạch về trợ cấp liên quan Đạo luật Giảm lạm phát ảnh 2Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, Chủ tịch Nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Paschal Donohoe cho rằng EU nên thảo luận về các công cụ chung mới để chống lại tác động của gói ngân sách khổng lồ cho công nghệ sạch của Mỹ và tăng cường khả năng cạnh tranh của liên minh này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 16/1, ông Donohoe nêu rõ: “Cần phải có cuộc thảo luận và đánh giá các công cụ như vậy."

EU cũng đang xem xét một số thay đổi đối với các quy tắc hỗ trợ nhà nước để chống lại việc di dời đầu tư và việc làm, đồng thời đang nghiên cứu nguồn tài trợ chung để giúp các quốc gia thành viên có ít không gian tài chính hơn.

“Chúng ta phải hành động nhanh chóng để bảo vệ lợi ích và bảo vệ doanh nghiệp của mình. Đây cũng là cơ hội để củng cố khả năng cạnh tranh ở châu Âu của chúng ta trong tương lai" - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết.

Tháng Tám năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký đạo luật IRA - được coi là thỏa thuận lịch sử về khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch của Mỹ năm 2022.

Đây là khoản đầu tư tích cực nhất cho khí hậu mà Quốc hội Mỹ từng thực hiện và dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 40% lượng khí thải trong thập kỷ này, đưa nước Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục