Khó khăn 'bủa vây', thị trường bất động sản vẫn đón tín hiệu tích cực

Công ty Savills cho biết, trong bối cảnh các điều kiện kinh tế toàn cầu không mấy khả quan, châu Á – Thái Bình Dương đang được đánh giá là điểm đến hấp dẫn về đầu tư bất động sản của thế giới. Các hiệp định tự do thương mại và cạnh tranh chi phí thấp là những yếu tố tạo nên ưu thế của khu vực này, điểm sáng là Ấn Độ và các nước Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Đánh giá về toàn cảnh thị trường khu vực này, các chuyên gia của Công ty Savills nhận xét, bước vào năm 2023, thị trường bất động sản châu Á đang đối mặt với nhiều thách thức tại khu vực cũng như quy mô toàn cầu. Đầu tiên là vấn đề về lạm phát trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng do ảnh hưởng từ dịch COVID cũng như xung đột Nga-Ukraine. Lạm phát và động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương đã hạn chế triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.

Khó khăn tiếp theo được chỉ ra là liên quan đến việc các phát triển công nghệ đã thay đổi phương thức làm việc và mua sắm của tất cả mọi người, phá bỏ những khái niệm cũ về bất động sản. Tuy vậy, sự thay đổi tạo ra từ các phát triển công nghệ được cho là ảnh hưởng ít sâu sắc hơn tại thị trường châu Á. Mô hình làm việc linh hoạt, bán lẻ trực tuyến tại đây mặc dù đạt được sức hút nhất định nhưng vẫn chưa thực sự đạt được mức phát triển như tại châu Âu và Hoa Kỳ - các chuyên gia so sánh.

Mặc dù Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách Zero COVID và mở cửa biên giới mang lại những tia hy vọng mới cho nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và kinh tế toàn cầu nhưng tiến trình mở cửa trở lại của quốc gia này cũng được các chuyên gia dự báo sẽ là một chặng đường gập ghềnh, đặc biệt trong những tháng đầu tiên của năm 2023.

Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách nới lỏng sau COVID-19 và chiến lược dịch chuyển của các nhà đầu tư nhưng thị trường bất động sản vẫn đang chịu tác động kép từ những khó khăn của tình hình thế giới và trong nước.

Thực tế cho thấy, năm trước đó, thị trường chứng khoán trong nước đã sụt giảm mạnh lên tới 30%, dẫn đầu là các mã thuộc ngành bất động sản. Ngoài ra, những quy định mới về trái phiếu, tín dụng cũng được xem là những tác động chính ảnh hưởng tới thị trường.

Tuy nhiên, trước những khó khăn “bủa vây”, các chuyên gia của Công ty Savills cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những tín hiệu tích cực. Đơn cử như lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đề ra; doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và Việt Nam đồng vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực.

Nhận định khách quan về thị trường Việt Nam, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi từ những lợi thế về môi trường tự nhiên, nhân khẩu học, chính sách trong nước và các hiệp định thương mại quốc tế. Thêm vào đó, các nhu cầu cơ bản đối với thị trường bất động sản vẫn được ghi nhận. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường này.

“Bất động sản là thị trường có tính chu kỳ. Đối với mỗi chu kỳ, thị trường có xu hướng trở nên phức tạp hơn, tạo ra nhiều cơ hội tới nhiều nhà đầu tư hơn. Bởi vậy, trước những khó khăn và cơ hội hiện hữu, thị trường Việt Nam sẽ có sự đa dạng hóa và cải thiện chất lượng sản phẩm. Bất động sản cần được hiểu là một sản phẩm mang lại nhiều lợi ích hơn và không chỉ là một kênh đầu tư sinh lời. Các sản phẩm giới thiệu tới thị trường cần tiến gần đến việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực sự” – ông Matthew Powell phân tích.

Hiện nay, việc tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế. Tình hình cũng tương tự đối với thị trường chứng khoán, khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn. Nhưng theo chuyên gia của Công ty Savills, đây lại là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài để gia nhập thị trường, mang lại nhiều triển vọng và cạnh tranh với nhiều sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều phân khúc.

Thu Hằng (TTXVN)
FDI bất động sản thúc đẩy thị trường tăng trưởng bền vững trong dài hạn
FDI bất động sản thúc đẩy thị trường tăng trưởng bền vững trong dài hạn

Bộ Xây dựng dẫn nguồn số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN