Đức khẳng định khả năng thiếu khí đốt "hiện đã được loại trừ"

Số liệu sơ bộ cho thấy trong ngày đầu tháng Hai, mức độ lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt tự nhiên của Đức đạt 78,6%, gần gấp đôi so với quy định của luật Kinh tế năng lượng của nước này.
Đức khẳng định khả năng thiếu khí đốt "hiện đã được loại trừ" ảnh 1Trạm nén khí đốt OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tính đến ngày 1/2, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức không còn đầy hoàn toàn nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu lưu trữ - theo thông báo của Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức.

Theo cơ quan giám sát năng lượng này, khả năng Đức thiếu khí đốt hiện đã được loại trừ.

Trong ngày đầu tháng Hai này, mức độ lấp đầy các kho lưu trữ khí đốt tự nhiên của Đức đạt 78,6%, gần gấp đôi so với quy định của Luật Kinh tế Năng lượng.

Theo luật trên, mức lấp đầy các kho dự trữ khí đốt phải đạt ít nhất 40% vào ngày 1/2. Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Klaus Müller khẳng định tỷ lệ lấp đầy các kho lưu trữ đã vượt xa quy định hiện nay là “rất tốt” và tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này đã được loại trừ.

Đây là kết quả tiết kiệm khí đốt của cả người dân và doanh nghiệp, và nhiệm vụ hiện tại đối với Đức là làm đầy trở lại các kho dự trữ trong mùa Hè tới để đảm bảo đủ lượng khí đốt cung cấp cho mùa Đông mà không cần khí đốt từ Nga.

Bên cạnh việc người tiêu dùng cần tiếp tục tiết kiệm khí đốt, các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG) mới sẽ có vai trò hết sức quan trọng để đảm bảo đủ nguồn cung.

Theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, mức dự trữ tại các cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức đạt 100% vào ngày 14/11 năm ngoái; lượng dự trữ bắt đầu giảm sau đó, đặc biệt từ ngày 9/1 đến nay. Trên toàn Liên minh châu Âu (EU), mức dự trữ đạt 72,1% vào ngày 1/2.

Đức hiện vẫn tiếp tục nhận được khí đốt tự nhiên từ Bỉ, Na Uy và Hà Lan qua hệ thống đường ống dẫn khí đốt. Các cơ sở LNG trên bờ biển nước này cũng đang tiếp nhận khí hóa lỏng từ nhiều quốc gia.

Chính phủ Đức cũng đang triển khai nhiều biện pháp để tích cực thúc đẩy tiến độ xây dựng các cơ sở tiếp nhận tiếp theo để tăng cường nhập khẩu LNG.

[Đức đàm phán nhập khẩu khí đốt của Iraq để đa dạng hóa nguồn cung]

Hồi đầu tháng Một - thời điểm lượng tích trữ khí đốt của Đức được lấp đầy trên 90% - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Klaus Müller vẫn kêu gọi người dân thực hành tiết kiệm và chuẩn bị cho mùa Đông năm 2023-2024.

Năm ngoái, mức tiêu thụ khí đốt ở Đức thấp hơn 14% so với năm trước đó, chủ yếu nhờ vào việc tiết kiệm của người dân, việc Đức chuyển ít khí đốt hơn cho các nước láng giềng cũng như nhận được nguồn cung ổn định từ Na Uy, Bỉ, Hà Lan và Pháp.

Dù vậy, ông Müller kêu gọi người dân không nên ỷ vào số liệu tích trữ tích cực mà buông xuôi việc tiết kiệm khí đốt trong sưởi ấm và dùng nước nóng, bởi việc tăng tiêu thụ khí đốt sẽ dẫn tới giá khí đốt cao hơn, nhất là với những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng.

Giá khí đốt hiện tại tương đương với giá tháng 12/2021. Ông Müller cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy giá khí đốt đã đạt ổn định để có thể tính toán cho 1-2 năm tới.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố rủi ro có thể tác động tới giá cả nếu mùa Đông tới lạnh hơn, hoặc tiêu thụ khí đốt gia tăng ở Trung Quốc và nguy cơ về an ninh đối với hệ thống cơ sở hạ tầng khí đốt.

Đức khẳng định khả năng thiếu khí đốt "hiện đã được loại trừ" ảnh 2Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Berlin ngày 13/1/2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cho biết hai bên đã thảo luận về khả năng Iraq cung cấp khí đốt cho Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đầu tháng Một, Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đã tránh được kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.

Tại cuộc họp báo trong khuôn khổ chuyến thăm Na Uy ngày 5/1, ông Habeck nhấn mạnh: "Đến thời điểm hiện tại đã tránh được kịch bản xấu nhất từng đe dọa Đức trong mùa Hè này, đồng thời đã tránh được nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của trung tâm công nghiệp châu Âu và Đức.

Các bể chứa khí đốt hiện đã dự trữ được hơn 90% dung tích và giá nhiên liệu đang giảm. Dù chẳng có gì được đảm bảo, nhưng điều này cho thấy hành động chính trị quyết đoán đang dẫn tới thành công."

Bộ trưởng Habeck cho hay dù giá khí đốt có thể tăng trở lại, ông vẫn có "sự lạc quan nhất định" trước mùa Đông tới, trong bối cảnh dự trữ khí đốt đã tăng lên và việc cung cấp LNG đang được đẩy mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store nhấn mạnh: "Đức hiện đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Na Uy và Na Uy cũng có một vai trò quan trọng hơn bao giờ hết đối với Đức."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục