Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế-xã hội tiếp tục xu thế tích cực

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết trong tháng 1/2023, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm và thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định.
Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế-xã hội tiếp tục xu thế tích cực ảnh 1Họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 2/2. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong tháng đầu tiên của năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục xu thế tích cực, đạt nhiều kết quả trong bối cảnh số ngày làm việc tháng 1/2023 chỉ bằng 2/3 so với tháng trước và cùng kỳ.

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ tổ chức tối 2/2.

Kinh tế vĩ mô ổn định

Theo Bộ trưởng, trong tháng 1/2023, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, trong đó thu ngân sách Nhà nước tháng 1 đạt tăng 12,3% so với dự toán và 8,1% so với cùng kỳ; xuất siêu 3,6 tỷ USD; an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.

[Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát]

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ, ngân hàng ổn định, sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất tuy còn khó khăn nhưng giảm dần.

Dẫn thêm một số ví dụ, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin các ngành, lĩnh vực chủ yếu phát triển ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng, được mùa, được giá, trong đó sản lượng thủy sản đạt trên 593.000 tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1/2023 tăng 0,2% so với cùng kỳ.

Trong tháng đầu năm đã ghi nhận tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, trong tháng Một, cả nước có trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,3% so tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ. 

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, trong năm 2023 dự báo còn không ít khó khăn, thách thức, trong đó sức ép lạm phát còn cao; lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng với đó, các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%), chưa kể giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế và thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn...

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế-xã hội tiếp tục xu thế tích cực ảnh 2Thương mại nội địa khởi sắc trong những tháng đầu năm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác mà phải luôn chủ động bình tĩnh, linh hoạt, sáng suốt, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành "giật cục" và luôn cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức đồng thời đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

"Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tập trung khai thác lợi thế từ các FTA

Thông tin thêm tại phiên họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng những khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu trong cuối năm 2022 dự báo chưa thể khắc phục ngay và sẽ kéo dài sang đầu năm 2023.

Đặc biệt, nhu cầu thế giới giảm sút rõ rệt do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới.

Hơn nữa, những cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao. Cùng với đó, lạm phát tăng cao, tồn kho cao, ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển.

"Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 do vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột tại Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới," ông Đỗ Thắng Hải nói.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế-xã hội tiếp tục xu thế tích cực ảnh 3Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tuy vậy, ông Hải cũng nêu nhiều yếu tố tích cực như các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi lộ trình cắt giảm thuế quan; thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tính chủ động sáng tạo, tìm kiếm thị trường mới, khai thác lợi thế từ các Hiệp định FTA.

"Năm 2022, xuất khẩu cả nước đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm 2021. Như vậy với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 dự kiến đạt 393-394 tỷ USD, tăng thêm khoảng 22 tỷ USD giá trị xuất khẩu hàng hoá so với năm 2022," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Để thực hiện các mục tiêu trong năm 2023, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước; chú trọng khơi thông thị trường gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp, nhất là sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, tận dụng hiệu quả cơ hội nhu cầu lương thực đang tăng trên thế giới và của các thị trường lớn.

Mặt khác, các bộ, ngành và doanh nghiệp cần mạnh sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp chế biến chế tạo ngay sau kỳ nghỉ Tết... cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

"Các cơ quan, doanh nghiệp cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả tận dụng tối đa các cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế; phấn đấu năm 2023 đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế," Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục