​Biện pháp trừng phạt của EU ảnh hưởng quá trình sửa chữa Nord Stream

Na Uy không thuộc khối EU, nhưng là một phần của Thị trường chung châu Âu và đã áp dụng hầu hết các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, trong đó có việc kiểm soát xuất khẩu.
​Biện pháp trừng phạt của EU ảnh hưởng quá trình sửa chữa Nord Stream ảnh 1Vị trí rò rỉ khí đốt trên đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc ở biển Baltic ngày 28/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn năng lượng Equinor (Na Uy) cho rằng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga đã cản trở tập đoàn này cung cấp dịch vụ và thiết bị để kiểm tra hư hại của đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vào năm ngoái. 

Bộ Ngoại giao Na Uy thông báo quá trình sửa chữa các đường ống dẫn khí "vi phạm các quy định trong lệnh trừng phạt của Na Uy, hay rộng hơn là các biện pháp trừng phạt do EU áp đặt đối với Nga."

Na Uy không thuộc khối EU, nhưng là một phần của Thị trường chung châu Âu và đã áp dụng hầu hết các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, trong đó có việc kiểm soát xuất khẩu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết do nghĩa vụ bảo mật nghiêm ngặt theo luật định, Bộ Ngoại giao Na Uy không thể đưa ra bình luận về các trường hợp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa chiến lược, dịch vụ và công nghệ. Ủy ban EU chưa phản hồi trước yêu cầu về bình luận.

Tháng trước, doanh nghiệp khí đốt của Đức Uniper cho biết đường ống có thể được sửa trong 6-12 tháng, nhưng vẫn chưa rõ liệu Berlin có muốn khởi động lại nguồn cung và liệu các đường ống này sẽ được sửa chữa.

Việc thiếu sự hỗ trợ từ Na Uy có thể khiến quá trình sửa chữa đường ống trở nên khó khăn và tốn kém hơn.

Hai tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đồng loạt gặp sự cố rò rỉ vào tháng 9/2022, khiến khí methane độc hại tràn vào khí quyển.

Mỗi đường ống này có chiều dài hơn 1.200km, có thể khả năng vận chuyển đến 110 tỷ m3 khí đốt/năm từ Nga đến Đức qua Biển Baltic.

Na Uy là quốc gia xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thông qua các đường ống ngoài khơi, có Nhóm sửa chữa đường ống và can thiệp dưới biển (PRSI Pool) được thành lập để khắc phục những hư hại và có thể huy động hỗ trợ khẩn cấp từ các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ chuyên dụng.

PRSI Pool do Equinor và 72 thành viên bao gồm cả các nhà điều hành đường ống Nord Stream, Nord Stream AG và Nord Stream 2 AG có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Hồi tháng 10, hệ thống này đã nhận được yêu cầu từ cơ quan quản lý Nord Stream để huy động tàu và thiết bị nhằm kiểm tra hư hại của đường ống.

Theo Equinor, do phải tuân thủ các quy định được ban hành qua lệnh trừng phạt, PRSI Pool không thể thực hiện yêu cầu.

[Cập nhật thời điểm nối lại hoạt động đường ống Dòng chảy phương Bắc 1]

Ngày 4/10, công ty Nord Stream AG - đơn vị vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 ở ngoài khơi, cho biết họ không thể kiểm tra đường ống này vì chưa được Bộ Ngoại giao Na Uy cấp này.

Trước đó, Bộ này cho biết có thể triển khai PRSI khi chiến lược sửa chữa và giải pháp được điều chỉnh phủ hợp. Trong khi đó, công ty Nord Stream 2 AG cho biết đã gửi yêu cầu đến PRSI Pool và bị từ chối.

Không thể nhận hỗ trợ từ Na Uy, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom - chủ quản của Nord Stream AG đã thuê tàu để tiến hành khảo sát tại các địa điểm rò rỉ đường ống ở vùng biển Thụy Điển.

Cho đến nay, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 đoạn đường ống rò rỉ trong hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. 

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, Nga chịu thiệt hại trực tiếp và 50% lượng khí đốt rò rỉ này đã được lên kế hoạch cung cấp cho thị trường trong nước.

Cơ quan an ninh Nga gọi đây là “khủng bố quốc tế” và đã mở cuộc điều tra. Nhiều nước châu Âu cũng tiến hành điều tra vụ việc này theo hướng đây là hành vi phá hoại có chủ ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục