Airbus và Qatar Airways dàn xếp vụ tranh cãi trị giá 2,5 tỷ USD

Cả Qatar Airways và Airbus đều không muốn kéo dài việc kiện tụng khi Qatar Airways cần đủ máy bay cho kế hoạch mở rộng, trong khi Airbus không muốn mất đi một trong những khách hàng quan trọng nhất.
Airbus và Qatar Airways dàn xếp vụ tranh cãi trị giá 2,5 tỷ USD ảnh 1Một chiếc máy bay A350 của Qatar Airways đỗ bên ngoài khu bảo dưỡng ở Doha, Qatar. (Ảnh: Reuters)

Ngày 1/2, hãng hàng không Qatar Airways và tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu thông báo đã giải quyết xong tranh cãi trị giá 2,5 tỷ USD liên quan chất lượng của các máy bay phản lực A350 do Airbus sản xuất.

Sau nhiều tháng thương lượng, lãnh đạo của hai bên cho biết họ đã nhất trí hòa giải và đồng thuận về vấn đề "xuống cấp bề ngoài" của 29 máy bay A350.

Giới quan sát nhận định cả Qatar Airways và Airbus đều không muốn kéo dài việc kiện tụng. Hãng hàng không cần đủ máy bay cho kế hoạch mở rộng, trong khi tập đoàn chế tạo máy bay không muốn mất đi một trong những khách hàng quan trọng nhất.

Qatar Airways đã yêu cầu bồi thường khoảng 2,5 tỷ USD và tiền phạt khi đâm đơn kiện lên một tòa án của Anh - nơi vụ việc sẽ được đưa ra xét xử vào tháng Sáu. 

Tuyên bố chung giữa Airbus và Qatar Airways cho biết "một dự án nâng cấp các máy bay A350 đang được triển khai để chúng có thể hoạt động trở lại một cách an toàn."

Chi tiết thỏa thuận sẽ được giữ kín và "thỏa thuận dàn xếp này không thể hiện trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ bên nào." Tuyên bố khẳng định, thỏa thuận này sẽ giúp Qatar Airways và Airbus có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác.

Một phát ngôn viên của Airbus cho biết, với thỏa thuận mới nhất, các đơn đặt hàng bị ngưng trệ trước đó - trị giá hơn 14 tỷ USD - sẽ được nối lại.

Giám đốc phân tích hàng không vũ trụ và quốc phòng tại công ty tư vấn AIR, ông Michel Merluzeau, đánh giá việc dàn xếp ngoài tòa án "rõ ràng là một kết quả có lợi cho đôi bên."

[Qatar Airways yêu cầu Airbus bồi thường do sai sót của máy bay A350]

Theo ông, sẽ rất khó để Qatar Airways ngừng giao dịch với Airbus và phụ thuộc hơn vào Boeing, khi nhà sản xuất máy bay Mỹ vốn đã đối mặt với hàng loạt bê bối nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước đã đưa ra một kế hoạch mở rộng hoạt động trị giá hàng tỷ USD và đầu tư vào Sân bay Quốc tế Hamad.

Việc cắt đứt giao dịch đối với Airbus đồng nghĩa với việc hãng hàng không này sẽ phải tạm ngừng triển khai các tuyến bay mới, khi các máy bay A321 đều là một phần của kế hoạch mở đường bay mới từ thủ đô Doha. 

Ông Merluzeau cho biết vấn đề xuống cấp các máy bay là mối quan ngại đối với Qatar Airways, song đây chưa được coi là một vấn đề nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng an toàn của chuyến bay.

Airbus và Qatar Airways dàn xếp vụ tranh cãi trị giá 2,5 tỷ USD ảnh 2Lớp sơn bị bong tróc bên ngoài của một chiếc máy bay A350 của Qatar Airways. (Ảnh: Reuters)

Tranh cãi giữa Airbus và Qatar Airways nảy sinh kể từ tháng 8/2021, thời điểm hãng hàng không của Qatar đình chỉ hoạt động đối với 21 máy bay chở khách A350 mua của Airbus và từ chối tiếp nhận thêm 23 máy bay A350 khác vì cho rằng tình trạng phồng rộp sơn và ăn mòn lớp phụ chống sét ở vỏ ngoài máy bay có thể ảnh hưởng đến an toàn hàng không.

Tuy Airbus thừa nhận có vấn đề về lớp sơn, nhưng tập đoàn này và Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) khẳng định những sai sót này không ảnh hưởng đến an toàn bay.

Tranh cãi leo thang khi Qatar Airways khơi mào một cuộc chiến pháp lý và từ chối tiếp nhận các mẫu máy bay khác.

Hãng sản xuất máy bay châu Âu cũng đưa ra quyết định bất thường khi hủy thương vụ cung cấp 19 máy bay phản lực A350 và đơn đặt hàng 50 máy bay hạng trung A321, trị giá khoảng 6 tỷ USD.

Qatar Airways và Airbus đã bắt đầu các cuộc thương lượng hòa giải nghiêm túc vào năm ngoái. Tháng 10/2022, nhà sản xuất máy bay đã tổ chức một cuộc họp mang tính đột phá với cơ quan quản lý Qatar.

Một nguồn tin cho biết thỏa thuận mới đã được thảo luận khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire gặp Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani, tại thủ đô Doha hôm 29/1.

Bộ trưởng Le Maire khẳng định đây là thành quả nhờ nỗ lực chung của nhiều bên và là tin mừng đối với ngành hàng không Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục