Rước Mộc bản 'Cư trần lạc đạo phú' theo nghi thức Phật giáo có quy mô lớn nhất Việt Nam

Sáng 2/2, tại Khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử và khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử”.

Chú thích ảnh
Hội Tây Yên Tử là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cùng đông đảo nhân dân, phật tử và du khách thập phương.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết: Xác định phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh đã tập trung xây dựng hình thành Không gian du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường Hoằng dương Phật pháp” của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Bởi Tây Yên Tử có vị trí đắc địa để phát triển du lịch văn hóa - tâm linh, sinh thái - nghỉ dưỡng. Bắc Giang đang phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương thống nhất việc lập Hồ sơ đề cử Quần thể di tích danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc để trình UNESCO, đề nghị được công nhận là Di sản Thế giới. Di sản khi được công nhận sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển du lịch cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực.

Chú thích ảnh
Các tiết mục biểu diễn nghệ thuật tái hiện lại lịch sử. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Để đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề nghị Bắc Giang tiếp tục nâng cao nhận thức, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế; phối hợp với Bộ tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc lần thứ 3; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới có tính đặc trưng cao.

Lễ hội Xuân Tây Yên Tử và Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023 với chủ đề “Linh thiêng Tây Yên Tử” có 15 hoạt động chính và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch hưởng ứng của các địa phương trong tỉnh. Lễ hội diễn ra từ ngày 2-6/2, tại các huyện Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn.

Chú thích ảnh
Làm lễ rước bộ Mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú” từ Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, lên Chùa Thượng Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Đặc biệt, sáng sớm 2/2 đã diễn ra Lễ rước bộ Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" từ chùa Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng, Tây Yên Tử với đoàn rước dài 70 km, gồm 108 xe ô tô được trang trí theo nghi thức Phật giáo. Lễ rước đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là Lễ rước theo nghi thức Phật giáo lớn nhất Việt Nam. Lễ rước mang ý nghĩa đề cao giá trị tư tưởng tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ. Bộ Mộc bản "Cư trần lạc đạo phú" là một trong những tác phẩm quan trọng, thể hiện rõ nhất giá trị đó.

Chú thích ảnh
Làm lễ rước bộ Mộc bản “Cư Trần lạc đạo phú” từ Chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, lên Chùa Thượng Tây Yên Tử, huyện Sơn Động. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Đồng Thúy (TTXVN)
Trưng bày gần 500 hiện vật, hình ảnh về Phật giáo vùng Tây Yên Tử
Trưng bày gần 500 hiện vật, hình ảnh về Phật giáo vùng Tây Yên Tử

Ngày 1/2, tại Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo vùng Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất". Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Giang 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN