Đồng Nai: Độc đáo Lễ hội chùa Ông cù lao Phố ở thành phố Biên Hòa

Lễ hội chùa Ông diễn ra từ 31/1-3/2 (tức ngày 10-13 tháng Giêng) với nhiều hoạt động, trong đó độc đáo nhất là lễ nghinh thần - hình thức đưa các vị thần dân gian đi tham quan dân tình dịp đầu năm.
Đồng Nai: Độc đáo Lễ hội chùa Ông cù lao Phố ở thành phố Biên Hòa ảnh 1Đoàn nghinh Thần di chuyển qua nhiều tuyến đường thuộc thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Cứ vào tháng Giêng hằng năm, Lễ hội chùa Ông cù lao Phố ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai, lại được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Lễ hội chùa Ông thường được tổ chức trước ngày diễn ra Tết Nguyên Tiêu. Lễ hội chùa Ông cù lao Phố thực hiện tại Cơ sở thờ tự chùa Ông ở cù lao Phố (còn gọi là Thất phủ cổ miếu, được tạo dựng từ năm 1684 và được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2011), duy trì suốt hơn 330 năm qua.

Lễ hội chùa Ông cù lao Phố mang tính lễ hội vùng, được người dân vùng Đông Nam Bộ tự nguyện thực hiện liên tục từ thời mở đất đến nay, có phát triển và biến đổi về văn hóa nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng trong đặc điểm chung về lễ hội.

Lễ hội còn gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng dân gian ở Nam Bộ trong quan hệ văn hóa Việt-Hoa, thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam tích hợp đa nguồn và dung hòa đa hệ. Bên cạnh đó, Lễ hội chùa Ông cù lao Phố là nhịp cầu giao lưu văn hóa, kết tinh và lan tỏa nội vùng và ngoại vùng, có sức sống trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cốt lõi của Lễ hội chùa Ông cù lao Phố là tín ngưỡng dân gian thờ Quan Công, một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc, được người Hoa, người Việt thờ phụng không phải do quan to, chức trọng, thành tích lừng lẫy, mà do tấm lòng trung thực, nghĩa hiệp, khẳng khái, độ lượng, bao dung của một con người luôn quên mình vì người khác.

Tục thờ Quan Công đến Nam Bộ theo con đường nhập cư của lớp người Hoa đến xứ Đồng Nai từ năm 1679 và nhanh chóng được Việt hóa.

Quan Công thường được thờ trong nhà như một vị thần bản gia, “đức Ông độ mạng” và thờ ở chùa, miếu như một phúc thần có công khai hóa.

Ở trong nhà, phổ biến là hình thức trang thờ hoặc khám thờ, treo cao trong gian chính. Tục xưa thường thờ bằng một bức dán giấy đỏ đề chữ nho “Quan Thánh Đế Quân” hoặc loại tranh thờ vẽ trên gương gồm hai loại: Tranh ba ông và Tranh năm ông.

Việc cúng Ông gắn với lễ thức cúng bái của gia đình và các ngày vía Ông. Cúng Ông có thể món mặn hoặc món chay, lễ vật thường kiêng cúng thịt gà và hoa mồng (mào) gà; nhiều nơi còn kiêng ăn thịt trâu, thịt chó.

Ở Đồng Nai, có nhiều cơ sở tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân, lâu đời và quy mô nhất là ở chùa Ông cù lao Phố. Lễ hội này (còn gọi là lễ cúng Quan Thánh Đế Quân) được xem là lễ hội Quan Thánh Đế quy mô nhất ở Nam Bộ.

[Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội]

Năm 2023, Lễ hội chùa Ông diễn ra từ 31/1-3/2 (tức ngày 10-13 tháng Giêng) với nhiều hoạt động, trong đó đặc sắc, độc đáo nhất là lễ nghinh thần.

Ban tổ chức huy động khoảng 1.000 người mặc trang phục truyền thống xuất du bằng đường bộ và đường thủy.

Đoàn nghinh thần bằng đường thủy đi trên 10 phà, di chuyển hơn 5km dọc sông Đồng Nai.

Đoàn xuất du đường bộ di chuyển trên nhiều tuyến đường thuộc thành phố Biên Hòa. Các đoàn nghinh thần đều được trang hoàng lộng lẫy, biểu diễn tiết mục thổi sáo, múa dân gian, lân-sư-rồng, qua đó tạo nên không khí lễ hội đầy màu sắc và náo nhiệt.

Theo Ban Trị sự Thất phủ cổ miếu, lễ nghinh thần là hình thức đưa các vị thần dân gian, các vị công thần khai phá, mở mang vùng đất Biên Hòa đi tham quan dân tình nhân dịp đầu năm mới, qua đó cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Tại Lễ hội chùa Ông năm 2023 cũng diễn ra các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như: biểu diễn võ thuật truyền thống, hội thi trò chơi dân gian (kéo co, nhảy dây, nhảy bao bố), biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ, thả hoa đăng...

Để tạo thuận lợi cho người dân tham dự lễ hội, Ban Trị sự Thất phủ cổ miếu phối hợp cùng ngành chức năng lập lại trật tự lòng, lề đường, vận động người dân ở gần chùa không tăng giá vé gửi xe, bán hàng đúng giá niêm yết, dẹp tình trạng ăn xin.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục