Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 1/2023 giảm gần 17%

11:07' - 31/01/2023
BNEWS Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2023, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 99.100 tỷ đồng.

Theo báo cáo từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1/2023, cả nước có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 99.100 tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 68.600 lao động, tăng 0,7% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 5,2% về số lao động so với tháng 12/2022.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, thì giảm 16,6% về số doanh nghiệp, giảm 48,5% về số vốn đăng ký và giảm 11% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng cũng chỉ đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 8,2% so với tháng trước và giảm 38,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lý giải, sự sụt giảm này có nguyên nhân là tháng 1/2023 trùng với hai kỳ nghỉ Tết kéo dài, thời gian làm việc ít.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, nếu tính cả 279.000 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 4.500 doanh nghiệp tăng vốn, thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2023 là 378.100 tỷ đồng, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước có 15.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 146,8% so với tháng 12/2022 và giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này góp phần nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2023 lên 25.900 doanh nghiệp, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, theo khu vực kinh tế, tháng 1/2023 có 125 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 43,9% so với tháng 1/2022; 2.540 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 22,9%; 8.178 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 13,8%.
Cũng trong tháng 1/2023, có 34.994 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022; có 6.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 3,4%; và có 2.038 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,6%.
Như vậy, chỉ trong tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã lên tới gần 43.900 doanh nghiệp, tăng 14,4% so với cùng kỳ.
Con số này cao hơn nhiều so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này cho thấy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất các bộ, ngành cần tiếp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng kiến nghị, để kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan để giảm chi phí và tăng tính dự đoán cho doanh nghiệp. Theo đó, cần nhanh chóng xây dựng và sử dụng các hệ thống trao đổi điên tử các dữ liệu giữa các doanh nghiệp, hải quan và các cơ quan liên quan; tạo thuận lợi cho các chủ thể có mức độ tuân thủ cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục