Nguồn cung dịp Tết dồi dào nhờ sản xuất nông sản, chăn nuôi thuận lợi

Nhờ tình hình sản xuất, chăn nuôi các mặt hàng nông sản khá thuận lợi nên nguồn cung thực phẩm phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán rất dồi dào, không có tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý.
Nguồn cung dịp Tết dồi dào nhờ sản xuất nông sản, chăn nuôi thuận lợi ảnh 1Nguồn cung nông sản, thực phẩm Tết năm nay rất dồi dào. (Ảnh minh hoạ: Minh Hiếu/Vietnam+)

Theo báo cáo ngày 30/1 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, thời tiết các tháng cuối năm 2022 ổn định nên sản xuất các mặt hàng nông sản khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Đàn lợn, đàn gia súc, gia cầm đã giữ được nhịp tăng trưởng nên hoàn toàn bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Trong tháng 1/2023, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng tùy thuộc vào nhu cầu đối với từng chủng loại. Cụ thể, tại An Giang, lúa thường IR50404 ở mức 6.400 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg); lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg (ổn định). Tại Kiên Giang, lúa OM 5451 ở mức 7.000-7.300 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg); lúa Đài thơm 8 ở mức 7.200-7.500 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg). Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 vụ Đông Xuân sớm lên mức 7.300 đồng/kg (tăng gần 1.000 đồng/kg).

Đối với các sản phẩm rau quả, giá các loại trái cây biến động vào thời điểm trước Tết do nhu cầu tăng. Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang xoài tăng 10.000 đồng/kg, dưa hấu tăng 1.000 đồng/kg, thanh long tăng 3.000 đồng/kg. Các mặt hàng ổn định giá  trong tháng 1/2023 là chôm chôm và sầu riêng.

Tương tự, giá cả các mặt hàng rau củ tại Lâm Đồng tương đối ổn định do nguồn cung tương đối dồi dào mặc dù nhu cầu gia tăng vào ngày Tết. Riêng ngày 24-25/2 (tức ngày mùng 3, 4 Tết), giá một số rau củ quả tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/kg so với trước Tết do lượng cung chưa nhiều, một số chủng loại khác cơ bản giữ ổn định giá so với trước Tết.

Các sản phẩm chăn nuôi cũng biến động tăng giảm tùy từng khu vực và sản phẩm trong tháng 1/2023. Cụ thể, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-53.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg); còn tại miền Trung, Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg (tăng 1.000-2.000 đồng/kg). Tại miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-53.000 đồng/kg (tăng 1.000 đồng/kg).

[Hà Nội: Dồi dào nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ Tết]

Trong khi đó, giá các sản phẩm gia cầm bán tại trại biến động giảm tại các vùng miền, cụ thể: Giá gà thịt lông màu ngắn ngày tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam ở mức 39.000-40.000 đồng/kg (giảm 4.000 đồng/kg), nguyên nhân là do nguồn cung khá dồi dào. Giá gà công nghiệp miền Trung và miền Nam ở mức 18.000-20.000 đồng/kg (giảm 12.000-14.000 đồng/kg).

Việc giảm giá vào mùa Tết của gà đã thành quy luật vì nhu cầu tiêu thụ thịt gà công nghiệp trên thị trường giảm mạnh vào mùa Tết, nhất là kênh tiêu thụ lớn là các bếp ăn công nghiệp, bếp ăn tập thể của doanh nghiệp, trường học đều nghỉ Tết.

Đối với các mặt hàng thủy sản, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long những ngày đầu năm ổn định. Đầu tháng 1/2023, các công ty vẫn bắt tại một số ao cá theo hợp đồng ký cũ, một số công ty gia công tạm ngưng hoặc có xu hướng bắt chậm lại trước khi nghỉ Tết Nguyên đán cổ truyền từ giữa tháng. Giá cá tra giống cỡ 28-35 con/kg tăng 2.000-3.000 đồng/kg do nhu cầu tìm mua giống của một số doanh nghiệp và hộ nuôi tư nhân có xu hướng tăng trở lại, trong khi tỷ lệ ao nuôi giống trống khá cao do mùa lạnh nên cá hao hụt nhiều.

Thị trường tôm nguyên liệu những ngày đầu năm diễn biến chậm do các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mua hàng chậm lại vì chuẩn bị cho công nhân nghỉ Tết Nguyên đán vào giữa tháng. Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu 20-50 con/kg đang tăng 10.000-40.000 đồng/kg, nhất là đối với tôm sú sống (oxy) do nhu cầu tiêu thụ cao ở phân khúc nhà hàng phục vụ đám tiệc cuối năm cũng như nhu cầu trong dân tăng cao./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục