Điểm danh loạt ngân hàng đạt lợi nhuận tỷ USD

07:39' - 31/01/2023
BNEWS Trong tháng đầu năm 2023, hàng loạt ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo đó, nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 1 tỷ USD.

Vietcombank giữ vững vị trí "quán quân" lợi nhuận

Năm 2022, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 39% so với năm 2021, ước đạt trên 36.700 tỷ đồng. Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí "quán quân" lợi nhuận năm thứ 5 liên tiếp.

Tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank kiểm soát ở mức 0,67% tương đương với 7.662 tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với kế hoạch được giao. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với 465%.

Techcombank tăng trưởng thấp nhưng vẫn lọt top 2

 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng 10%, đạt 25.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 0,9%, tăng nhẹ so với năm 2021, nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 125%. 

BIDV tăng trưởng lợi nhuận bứt phá

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng đến 70% so với năm 2021, đạt 23.190 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 245%, cũng là mức cao nhất trong các năm gần đây.

Không những vậy, BIDV còn là ngân hàng thương mại đầu tiên sở hữu quy mô tổng tài sản kỷ lục, vượt mốc 2 triệu tỷ đồng và tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

VPBank tăng trưởng lợi nhuận gần gấp rưỡi

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 48% so với năm trước. Trong đó, tại ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỷ đồng, thể hiện kết quả tích cực qua các chỉ số hiệu quả như chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) lần lượt đạt 3,7%, 25,6% và 19,3%, nằm trong top dẫn đầu thị trường.
Quy mô vốn chủ sở hữu hợp nhất của VPBank, sau các đợt tăng vốn lớn, đã chính thức cán mốc hơn 103.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Vốn điều lệ của VPBank, cùng với đó, đạt hơn 67.000 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. 

Giá trị vốn hóa của ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2022 đã tăng tốc lên 120.000 tỷ đồng, giữ vững vị trí ngân hàng tư nhân có mức vốn hóa lớn nhất Việt Nam.

VietinBank tăng hơn 20% lợi nhuận trước thuế

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 của VietinBank ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước. 
Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp dưới 1,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190%, tăng 10% so với năm 2021. 

Agribank vượt kế hoạch lợi nhuận

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận 20.000 tỷ đồng được Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước giao năm 2022, tăng khoảng 40% so với năm trước.

 

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Đáng chú ý, đã có thêm ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

ACB: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm; tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu ACB ở mức thấp 0,74%, giảm so với 0,78% cuối năm 2021 và là năm thứ 7 liên tiếp ở mức dưới 1%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 155%.
VIB: Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đạt lợi nhuận trước thuế hơn 10.580 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021, duy trì hiệu suất sinh lời (ROE) ở mức trên 30%.
HDBank: Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) công bố lợi nhuận trước thuế đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 10.268 tỷ đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt hơn 13,4% nằm trong nhóm cao dẫn đầu toàn ngành. 
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HDBank lần đầu vượt mốc 416.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp chỉ 1,3%.

SHB: Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt hơn 9.658 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Các chỉ số an toàn vốn, quản lý rủi ro của SHB đều đạt ở mức tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ chuẩn mực quốc tế. 

TPBank: Cũng là một trong số các ngân hàng công bố sớm nhất kết quả kinh doanh năm 2022, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 30% so với năm 2021. 
Theo TPBank, ngoài nỗ lực kiểm soát chặt chẽ doanh thu - chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và diễn biến của thị trường, mức lợi nhuận này còn đến từ việc gia tăng dịch vụ bảo lãnh, tài trợ thương mại để tăng thu nhập từ phí. Sự phục hồi tích cực của các khách hàng giãn nợ sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân hàng.
Sacombank: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.
MSB: Kết thúc năm tài chính, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đạt hơn 5.787 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với năm 2021 và đạt hơn 85% kế hoạch. 
LienVietPostBank: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ và hoàn thành 118% kế hoạch năm.
Eximbank: Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) công bố báo cáo ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 3.709 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021.
Nguyên nhân giúp Eximbank báo lãi đột biến trong năm nay là nhờ giảm chi phí dự phòng so với cùng kỳ, do những năm trước ngân hàng đã trích lập cao, và chất lượng tài sản có xu hướng chuyển biến tốt hơn. Cụ thể, chi phí dự phòng rủi ro của Eximbank trong năm 2022 chỉ ở mức 103 tỷ đồng, giảm tới 90% so với cùng kỳ.
Bac A Bank: Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 1.072,6 tỷ đồng, tăng 18,1% so với năm 2021 và đạt 107% kế hoạch năm 2022.

Tuy nhiên, một vài ngân hàng lại ghi nhận kết quả kém lạc quan với lợi nhuận tăng trưởng âm so với năm trước.

OCB: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đạt lợi nhuận cả năm ở mức 4.389 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2021. Theo OCB, năm 2022 là năm đầy thách thức, với nhiều biến động lớn liên quan đến thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới cũng như tại Việt Nam, và OCB cũng không “ngoài cuộc” khi một số mảng kinh doanh phải chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi những yếu tố trên.
Tuy nhiên, ngân hàng vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh doanh tốt ở những hoạt động kinh doanh cốt lõi. Các tỷ lệ an toàn vốn (CAR), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý, đảm bảo đáp ứng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.  
ABBank: Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế giảm 13% so với cùng kỳ, chỉ hoàn thành 55% mục tiêu kế hoạch năm với 1.702 tỷ đồng.
Theo giải trình của ABBank, do ảnh hưởng lạm phát, nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với 2021 và kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ABBank thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm.
KienlongBank: Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank) ghi nhận 682 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, vượt kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tuy nhiên, kết quả này lại giảm mạnh tới 32% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,18%.
NCB: Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) ghi nhận lãi trước thuế năm 2022 chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, so với 2,3 tỷ đồng của năm 2021.
Tại công văn công bố thông tin nội dung giải trình liên quan đến báo cáo tài chính quý IV/2022, NCB cho biết: Trong năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và trước trích lập Phương án cơ cấu lại đạt 309 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2021.
Nguyên nhân chủ yếu do trong năm NCB đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời NCB tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế bằng 0 do NCB cam kết sử dụng hết lợi nhuận trong năm để trích lập theo Phương án cơ cấu lại đã trình Ngân hàng Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục