Chuyển đổi số và bài toán chống gian lận thương mại

17:17' - 30/01/2023
BNEWS Chuyển đổi số đang đem lại cơ hội cho việc thúc đẩy kinh doanh, mở rộng thị trường; nhưng cũng đồng thời đặt ra một bài toán về bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm trên môi trường internet.

Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi nhằm gia tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong phát triển thị trường; đồng thời đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

 

Song song với những lợi ích đem lại, thương mại điện tử cũng đang vấp phải nhiều vấn đề nan giải. Theo các chuyên gia nghiên cứu, vấn nạn hàng giả, hàng nhái hay gian lận thương mại đang diễn biến phức tạp trong lĩnh vực này, tác động nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của nhiều doanh nghiệp; đặc biệt là đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính; ảnh hưởng đến quyền lợi và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Vì lẽ đó, cần có những giải pháp để giảm các vụ việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường phòng chống nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử. Cụ thể như việc đăng ký bảo hộ các sáng chế, bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, đăng ký quyền tác giả cho các giao diện trên trang web, giao diện các ứng dụng trực tuyến....

Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, trong xã hội hiện đại, hoạt động kinh doanh qua thương mại điện tử ngày càng phát triển và bùng nổ. Cùng với đó, môi trường kinh tế số đang trở nên phức tạp với sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu của người dân mua hàng trên không gian mạng.

Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã bán hàng cấm, hàng lậu; thậm chí là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, do thiếu cơ sở pháp lý, công cụ nên việc xác minh hành vi vi phạm trên không gian mạng, truy tìm xử lý vụ việc; nhất là các vụ kinh doanh thông qua ứng dụng mạng xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chuyển đổi số đang đem lại cơ hội cho việc thúc đẩy kinh doanh, mở rộng thị trường; nhưng cũng đồng thời đặt ra một bài toán về bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm trên môi trường internet. Cũng do tính chất dễ dàng tiếp cận hàng hoá, nhiều đối tượng vi phạm đã không cần thiết lập kho hàng ở các thành phố lớn như cách làm truyền thống trước kia, mà có thể để ở bất kỳ nơi đâu.

Điều này cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý. Theo ông Hồng, cần có giải pháp chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp nền tảng số.
Muốn chống hàng giả trên môi trường internet, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư, trang bị các công cụ trên nền tảng số để từ đó có thể kết nối và bán hàng cho khách hàng thông qua website chính hãng đã được xác thực từ cơ quan chức năng.

Đồng thời, cần có công cụ kiểm soát được đường đi của sản phẩm khi lưu thông trên thị trường, quản lý hoạt động kinh doanh của các chi nhánh, đại lý trong hệ thống của doanh nghiệp; đồng thời hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông để kịp thời xử lý khi xảy ra sự việc.
Ông Hồng cũng khuyến nghị, việc xây dựng các công cụ số để kiểm soát hàng hoá trong quá trình lưu thông cũng giúp ích cho người tiêu dùng nhanh chóng nhận diện được hàng chính hãng. Việc phân biệt được đâu là hàng thật chính là cách thức trực tiếp nhất để chống hàng giả, hàng nhái trên nền tảng số.

Đặc biệt, khi xây dựng được hệ thống quản lý hàng hoá và chống hàng giả nền tảng số, các số liệu được ghi nhận liên tục trong quá trình vận chuyển và giao dịch với khách hàng cũng sẽ là căn cứ để giúp người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng sản phẩm khi gặp phải “thông tin xấu” không chính xác về sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp.
Cũng nhờ internet và mạng xã hội nên thông tin có thể nhanh chóng lan tỏa với tốc độ "chóng mặt", tạo ảnh hưởng nhanh chóng và nhiều khi rất khó kiểm soát. Hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội vừa có thể đem lại những tác động tích cực cho thương hiệu; nhưng cũng có thể “dìm chết” một nhãn hàng chỉ trong 1 đêm, nếu đó là thông tin xấu do các đối thủ đưa ra...

Do vậy, nếu người tiêu dùng không có đủ cơ sở để tin là đã mua đúng sản phẩm chính hãng, có thể dễ dàng phân biệt sản phẩm mình đã mua với hàng giả, hàng nhái thì sẽ rất dễ bị các đối tượng “dắt mũi” và sức khoẻ thương hiệu vốn đã được doanh nghiệp dày công chăm sóc, vun đắp trong bao nhiêu năm cũng sẽ rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng chỉ trong thời gian ngắn.
Dẫn chứng từ thực tế của doanh nghiệp, Giám đốc Đối ngoại và Chính sách công của Lazada Việt Nam, bà Vũ Thị Minh Tú cho hay, Lazada Việt Nam là một trong những nền tảng thương mại hàng đầu khu vực, với quan điểm luôn đề cao nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà bán hàng và người tiêu dùng chân chính dựa vào 4 trụ cột chính là chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt; tập huấn cho nhà bán hàng; quản trị bằng công nghệ và hợp tác với các bên liên quan.
Hơn 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, nền tảng thương mại điện tử Lazada đã và đang đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển một hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng số lành mạnh, bền vững.

Ngay từ đầu, Lazada chủ chương xây dựng chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt, nhằm chống lại các hành vi vi phạm của các đối tượng xấu khi tham gia vào sàn thương mại điện tử của Lazada, gây ảnh hưởng tới uy tín của thương hiệu.
Để bảo vệ tất cả các loại quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật công nhận, gồm quyền về thương hiệu, quyền tác giả, bằng sáng chế và quyền thiết kế... Lazada tuyệt đối nghiêm cấm đăng bán các sản phẩm hoặc dịch vụ giả mạo; nghiêm cấm các hành vi vi phạm về quyền thương hiệu, quyền tác giả hoặc công bố thông tin gây hiểu lầm về các sản phẩm được đăng bán; nghiêm cấm các hình thức vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ khác như bằng sáng chế, thiết kế hoặc bất kỳ quyền sở hữu trí tuệ nào khác được pháp luật công nhận hoặc theo phán quyết cuối cùng của tòa án có thẩm quyền.
Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn trên Học viện Lazada (Lazada University) cho các nhà bán hàng khi tham gia vào hệ thống sàn thương mại điện tử của Lazada tại Việt Nam, để giúp họ nâng cao nhận thức về vấn đề thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua đó giúp họ hiểu rõ chính sách của Lazada về các điều khoản, điều kiện của nền tảng, các chính sách liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; cũng như những quy định về việc vi phạm chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Lazada...
Hiện nay, nền tảng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Lazada là kênh trực tuyến minh bạch, là cổng dịch vụ trực tuyến một cửa cho phép các chủ thương hiệu hoặc đơn vị được ủy quyền, có thể theo dõi và quản lý các yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm vi phạm một cách hiệu quả. Đối với những người chưa quen và hiểu về việc sử dụng quyền trên Lazada cũng có sẵn tài liệu hướng dẫn kèm video minh họa để chủ sở hữu quyền có thể dễ dàng làm quen và sử dụng hệ thống, bà Tú cho biết.
Lazada hiện cũng hợp tác với nhiều cơ quan và hiệp hội như: Mạng lưới Chống Hàng Giả (REACT), Hiệp hội Thương hiệu Quốc tế (INTA), Viện An ninh Dược phẩm (PSI)… để phối hợp cùng hỗ trợ và nâng cao nhận thức cho các nhà bán hàng, các doanh nghiệp cùng hiểu và tích cực tham gia bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, nỗ lực tạo ra một nền tảng thương mại điện tử đáng tin cậy cho người dùng.

Hơn lúc nào hết, cần sớm xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử lành mạnh sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển bền vững của thị trường; cũng như tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế của đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục