Hàn Quốc tìm giải pháp ứng phó với tình trạng già hóa dân số

NPS ngày 27/1 công bố báo cáo cho biết nguồn quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt vào năm 2055 nếu nước này duy trì hệ thống chi trả hiện tại, trong khi quá trình già hóa dân số vẫn ngày càng trầm trọng.
Hàn Quốc tìm giải pháp ứng phó với tình trạng già hóa dân số ảnh 1Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Dịch vụ Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc (NPS) ngày 27/1 công bố báo cáo cho biết nguồn quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt vào năm 2055 nếu nước này duy trì hệ thống chi trả hiện tại trong khi quá trình già hóa dân số vẫn ngày càng trầm trọng.

NPS cho biết bắt đầu từ năm 2041, tình trạng thiếu hụt ngân quỹ để chi trả sẽ bắt đầu. NPS hiện đang điều hành quỹ lương ước tính khoảng 915 nghìn tỷ won (741,7 tỷ USD) vào tháng 10 năm 2022. Dự kiến con số này sẽ đạt mức cao nhất là 1.755 nghìn tỷ won vào năm 2040.

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh đang ở mức thấp kỷ lục và quá trình già hóa dân số ngày càng trầm trọng, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch công bố một báo cáo bao gồm nhiều kịch bản khác nhau cho tương lai của quỹ hưu trí vào tháng 3 tới. Tiếp đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ đưa ra kế hoạch chi tiết cho hoạt động của quỹ hưu trí vào tháng 10.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc có tổng số 231.863 trẻ sơ sinh chào đời, giảm 4,7% so với một năm trước đó. Tính trung bình, tổng tỷ suất sinh của một phụ nữ Hàn Quốc (số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong độ tuổi sinh sản) đã giảm xuống còn 0,79 trong năm 2022, mức thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2,1 để có thể giữ cho dân số của đất nước ổn định ở mức 51,5 triệu người.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Tuyển dụng và lao động Hàn Quốc ngày 27/1 đã tổ chức cuộc họp đầu tiên trong năm 2023 của Hội đồng thẩm định chính sách tuyển dụng để thông qua Kế hoạch cơ bản lần thứ 4 về tăng cường tuyển dụng lao động cao tuổi. 

Chính phủ Hàn Quốc dự báo nước này đang có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi tới năm 2025 sẽ đạt 20,6%, chính thức tiến vào xã hội siêu già. Liên hợp quốc phân loại quốc gia là "xã hội già hóa" nếu tỷ lệ người trên 65 tuổi lớn hơn 7% dân số;  "xã hội già" nếu con số này trên 14% và "xã hội siêu già" nếu tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm trên 20% dân số.

[Dân số ghi nhận xu hướng giảm, Hàn Quốc chạm ngưỡng 'xã hội siêu già']

Để phản ánh sự thay đổi này, Kế hoạch cơ bản lần thứ 4 về thúc đẩy tuyển dụng lao động cao tuổi đặt trọng tâm vào việc duy trì động lực tăng trưởng kinh tế dựa trên kinh nghiệm phong phú, sự thành thạo trong nghiệp vụ của người lao động cao tuổi. Tỷ lệ tuyển dụng người từ 55-64 tuổi của Hàn Quốc năm 2021 là 66,3%, thấp hơn các nước lớn như Nhật Bản (76,9%), Đức (71,8%).

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng mạnh số đối tượng được tiền trợ cấp khuyến khích tuyển dụng người cao tuổi, từ 3.000 người trong năm ngoái lên 8.300 người trong năm nay. Khoản trợ cấp này được hỗ trợ cho các chủ lao động doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tầm trung tiếp tục tuyển dụng những lao động đã nghỉ hưu, để họ có thể tiếp tục làm việc ở vị trí hiện tại dù đã qua 60 tuổi.

Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành thảo luận giữa doanh nghiệp và người lao động để lập ra một cơ chế thảo luận trực thuộc Ủy ban Kinh tế, xã hội và lao động trực tiếp dưới quyền Tổng thống, nhằm khởi động thảo luận xã hội về việc thiết lập chế độ tiếp tục tuyển dụng lao động đến độ tuổi nghỉ hưu. Dựa trên kết quả thảo luận, chính phủ sẽ lập lộ trình thực hiện trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục