Phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm Quý Mão 2023

Sáng 27/1, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ phát động Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Quý Mão 2023.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Phú Thọ hưởng ứng Tết trồng cây Đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm Quý Mão 2023 tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu kêu gọi toàn toàn thể các tầng lớp nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây. Các cấp, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các tầng lớp nhân dân cần nâng cao ý thức, có những biện pháp cụ thể để bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời tình trạng chặt, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; phát triển, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhấn mạnh, việc phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” vào mỗi dịp Xuân sang trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đất Tổ, góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường, đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội hàng năm. Tỉnh luôn quan tâm gìn giữ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái; đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây xanh, cây bóng mát tạo cảnh quan. Định hướng phát triển của tỉnh Phú Thọ trong những năm tới xác định phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội; hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu từ ngày 26/1-26/2, trồng mới 9.000 ha rừng tập trung, 2 triệu cây phân tán; chăm sóc trên 29 nghìn ha rừng trồng, bảo vệ trên 37 nghìn ha rừng.

Tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát hiện trạng và quỹ đất, thiết kế, xử lý thực bì, chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư phân bón; hướng dẫn người dân trồng rừng đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, góp phần tăng độ che phủ; chú trọng phát triển rừng gỗ lớn. Các địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng rừng, bảo vệ rừng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp, hiệu quả nhiều mặt từ rừng; đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững…

* Ngày 27/1, tất cả 6 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đồng loạt ra quân hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Tết Quý Mão 2023.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Kim Bảng tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Trong năm 2023, toàn tỉnh Hà Nam phấn đấu trồng 1.030.000 cây xanh. Để triển khai “Tết trồng cây” hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” với những nội dung và hình thức phù hợp, hiệu quả; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia trồng cây gây rừng và bảo vệ rừng, phong trào trồng cây nhân dân, cây phân tán gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đơn vị, địa phương chủ động đăng ký số lượng, chủng loại giống cây để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, giống cây lâm nghiệp chuẩn bị đầy đủ nguồn giống, sẵn sàng cung ứng.

Các xã đồng bằng chọn và bố trí cây ăn quả có giá trị cao, cải tạo cây trồng cũ, trồng cây lấy gỗ ven đường, dọc bờ sông kết hợp xây dựng các hàng cây có tác dụng phòng hộ đồng ruộng. Tại các thành phố, thị xã, thị trấn trồng cây trên các đường phố, đường giao thông trọng yếu, công viên để tạo bóng mát và cảnh quan. Các cơ quan, khu tái định cư, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện bố trí trồng cây xanh tạo bóng mát, cải tạo môi trường. Các xã miền núi lựa chọn cây trồng ở những đồi gò, vườn rừng, trang trại rừng theo phương thức nông lâm kết hợp. Sau khi trồng, các địa phương, đơn vị phải thường xuyên chăm sóc, bảo vệ để cây sống và sinh trưởng, phát triển tốt; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý từng khu vực đã trồng.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, tỉnh Hà Nam đã tích cực tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng và đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát huy tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

* Trong sáng 27/1, tỉnh Thái Bình đồng loạt tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023 tại các địa phương.

Đây là hoạt động thường niên, có ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới được tỉnh Thái Bình tổ chức nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” và Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025”.

Trong năm 2023, để việc trồng cây, quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả, tỉnh Thái Bình đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các địa phương, đơn vị lựa chọn cây trồng là cây bản địa, có giá trị kinh tế, có cảnh quan đẹp để góp phần tạo nên không gian đẹp, hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được nét truyền thống của nông thôn vùng châu thổ sông Hồng và thu nhập của người nông dân.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trồng cây hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại thành phố Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tỉnh tận dụng đất trên vỉa hè, công viên, vườn hoa, quảng trường, công sở, trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế... để phát triển cây xanh. Đồng thời, tỉnh tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng rừng, trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Các địa phương, đơn vị thực hiện “Tết trồng cây” Xuân Quý Mão theo tinh thần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, bảo vệ rừng, năm 2022, tỉnh Thái Bình trồng mới được 8,4 ha rừng; 1,97 triệu cây phân tán các loại; chăm sóc và bảo vệ tốt hơn 4.300 ha rừng hiện có. Qua đó, góp phần gia tăng diện tích và cải thiện chất lượng rừng, phát huy vai trò phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường, thích ứng với biển đổi khí hậu tại địa phương.

Toàn Đức - Nguyễn Chinh - Thế Duyệt (TTXVN)
Đắk Lắk: Nhiều điểm tham quan thu hút du khách trải nghiệm, du Xuân
Đắk Lắk: Nhiều điểm tham quan thu hút du khách trải nghiệm, du Xuân

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, lượng khách đến địa phương du Xuân, tham quan, trải nghiệm từ ngày 21 - 26/1 (tức ngày 30 tháng Chạp đến ngày mùng 5 Tết) ước đạt 130.000 lượt khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN