Cuộc chiến chip máy tính: Mỹ đóng băng công nghệ AI của Trung Quốc

Vào đầu tháng 10/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu chip máy tính nghiêm ngặt và sâu rộng nhất đối với Trung Quốc từ trước đến nay.
Cuộc chiến chip máy tính: Mỹ đóng băng công nghệ AI của Trung Quốc ảnh 1Cuộc chiến chip máy tính giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: asiatimes.com)

Trang tin NNZ của Thụy Sĩ đã có bài phân tích về cuộc chiến chip máy tính giữa Mỹ và Trung Quốc, nội dung bài viết như sau:

Vào đầu tháng 10/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu chip máy tính nghiêm ngặt và sâu rộng nhất đối với Trung Quốc từ trước đến nay.

Lệnh cấm chủ yếu liên quan đến các chip máy tính tiên tiến, cần thiết cho lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Mục tiêu cuối cùng mà Mỹ muốn đạt được là ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục tích hợp AI vào quân đội của mình - việc có thể biến Trung Quốc trở thành một siêu cường quân sự.

[Các công ty Mỹ lên kế hoạch giảm sử dụng chip Trung Quốc]

Các hạn chế do Mỹ ban hành không chỉ cấm các công ty thiết kế chip hàng đầu bán sản phẩm mạnh nhất của họ cho Trung Quốc mà còn bao gồm cả các công ty sản xuất phần mềm hoặc công ty sản xuất máy móc cần thiết cho thiết kế chip - thậm chí chỉ các bộ phận của máy móc.

Ngoài ra, người Mỹ và những người có thẻ xanh chỉ được phép làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc ở một mức độ rất hạn chế.

Mục tiêu của Mỹ là ngay lập tức có thể ngăn chặn Trung Quốc sớm đạt được những tiến bộ công nghệ trong chip máy tính. Mỹ đang hy vọng vào sự hỗ trợ của các đồng minh ở châu Âu, Nhật Bản và các nước Đông Á khác.

Ngành công nghiệp chip là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nước ngoài.

Thậm chí khoản tiền mà nước này phải chi ra để nhập khẩu chip hằng năm còn nhiều hơn so với khoản tiền dùng để nhập khẩu dầu.

Trong khi đó, mặc dù sản xuất chip đã trở thành một quy trình quốc tế, song Mỹ vẫn đang là quốc gia dẫn đầu thị trường thế giới trong các lĩnh vực quyết định của chuỗi giá trị chip máy tính.

Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm xuất khẩu chip sang Trung Quốc, Mỹ còn tăng cường đầu tư vào ngành chip nội địa. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và Chip (Chips & Science Act) vào ngày 9/8/2022, cam kết chi gần 53 tỷ USD cho nghiên cứu, phát triển, sản xuất chất bán dẫn và phát triển chip trong vài năm tới.

Greg Allen, chuyên gia người Mỹ về chip máy tính và AI của nhóm chuyên gia cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng chính quyền Mỹ đang nỗ lực chống lại những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) bằng các lệnh cấm xuất khẩu nghiêm ngặt, và ông tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng hoạt động gián điệp để cố gắng sở hữu công nghệ hiệu suất cao.

Dưới đây là các ý kiến phân tích cụ thể của vị chuyên gia này xung quanh lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ nhằm vào Trung Quốc.

Hiệu quả của sự kết hợp giữa hạn chế xuất khẩu và trợ cấp của Mỹ trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc

Theo chuyên gia Greg Allen, Trung Quốc hiện đã là một siêu cường về AI. Đất nước này không chỉ tạo ra những nghiên cứu đáng chú ý về AI mà còn phát triển các sản phẩm thương mại thành công dựa trên nó.

Ngoài ra, người Trung Quốc cực kỳ giỏi trong việc tích hợp công nghệ AI vào hệ thống giám sát và quân sự của họ. Các lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ không nhằm mục đích phá hủy ngành công nghiệp AI của Trung Quốc trong hiện tại, mà nhằm làm xấu nghiêm trọng triển vọng tương lai của Trung Quốc.

Nếu không có quyền tiếp cận với chip AI tiên tiến hoặc khả năng đào tạo các mô hình AI lớn trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ, nghiên cứu AI của Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên ít phù hợp hơn.

Từ quan điểm này, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể cực kỳ hiệu quả. Trung Quốc rất giỏi về phần mềm cho AI, nhưng bất kỳ phần mềm AI nào cũng phải chạy ở đâu đó trên các thiết bị phù hợp.

Các hạn chế này đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không còn quyền tiếp cận phần cứng mới nhất trong thời gian dài. Bên cạnh đó, việc thực thi kiểm soát xuất khẩu cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn quân đội Trung Quốc có thể sử dụng AI trong tương lai.

Những lệnh cấm xuất khẩu này khác với những lệnh cấm trước đây do Mỹ áp đặt đối với công nghệ

 Chuyên gia Greg Allen cho rằng quy định này hoàn toàn hướng tới tương lai của ngành công nghiệp này.

Những con chip máy tính có hai đặc điểm đặc biệt là khả năng tính toán bao nhiêu phép tính mỗi giây và tốc độ kết nối là khả năng tương tác với các chip khác nhanh như thế nào trong một siêu máy tính hoặc trung tâm dữ liệu khổng lồ.

Các quy định mới của Mỹ nêu rõ rằng các công ty không được xuất khẩu chip sang Trung Quốc vượt ngưỡng hiệu suất nhất định - cụ thể là giá trị tương ứng với hiện trạng, để tạo ra các mô hình AI lớn.

Đã từng có trường hợp Mỹ sửa đổi ngưỡng lên trên cứ sau một hoặc hai năm đối với các lệnh cấm xuất khẩu dựa trên hiệu suất của một công nghệ. Nhưng trong trường hợp này, Bộ Thương mại Mỹ đã khẳng định rõ sẽ không bao giờ nâng giới hạn lên dần.

Mỹ đã quyết định đóng băng trạng thái AI của Trung Quốc ở năm 2022 và do đó công nghệ AI của Trung Quốc sẽ sớm lỗi thời.

Một bước đi đáng chú ý của chính phủ Mỹ để làm chậm đà tiến của phần lớn ngành công nghệ Trung Quốc

Khi các nhà sử học nhìn lại năm 2022, sẽ có hai ngày nổi bật: Ngày 24/2/2022 khi Nga và  Ukraine xảy ra xung đột và ngày 7/10/2022 khi chính quyền của Tổng thống Biden áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với Trung Quốc.

Chính sách này cho thấy sự đảo ngược lớn của 25 năm chính sách thương mại và công nghệ đối với Trung Quốc trên hai phương diện.

Thứ nhất, lần đầu tiên, toàn bộ những con chip vượt quá ngưỡng hiệu suất không còn được xuất khẩu sang Trung Quốc chứ không chỉ đơn thuần là cấm xuất khẩu chip dành cho lĩnh vực quân sự. Đây là một thay đổi lớn.

Thứ hai, mặc dù Mỹ từng bán thiết bị sản xuất chip cho Trung Quốc, song từ nay trở đi, Trung Quốc sẽ chỉ còn nhận được những mẫu lạc hậu.

Việc không xuất khẩu các thiết bị mới sẽ giúp Mỹ tạo ra khoảng cách công nghệ nhất định với Trung Quốc và từng bước bỏ Trung Quốc lại phía sau.

Giờ đây, Trung Quốc sẽ đối mặt với một sự xuống cấp về năng lực công nghệ so với Mỹ.

Một ví dụ về điều này là các nhà máy bán dẫn ở Trung Quốc hiện có thể sản xuất chip với số lượng lớn bằng quy trình 14nm, tuy nhiên ngay cả những thiết bị cũ cũng không thể được bán cho các nhà máy này nữa.

Điều đó khiến cho mọi cơ sở sản xuất chất bán dẫn trên Trái Đất đều phụ thuộc vào Mỹ. Đây không chỉ là sự phụ thuộc một lần bởi vì các nhà máy cần có phụ tùng thay thế và cập nhật phần mềm liên tục...

Chính sách này nhằm mục đích loại bỏ những nhà máy tiên tiến như vậy ra khỏi thị trường.

Trong quá khứ, Mỹ đã từng cố gắng làm chậm đà tiến công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Mỹ chủ động muốn đóng băng một tiến bộ công nghệ. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý.

Chính phủ Mỹ hành động đúng thời điểm

Chính quyền Tổng thống Biden đã mất một thời gian rất dài để đi đến quyết định đảo ngược các chính sách thương mại và công nghệ đã tồn tại 25 năm.

Có những lý do rất đặc biệt để Mỹ áp đặt chính sách này: Nhiều thập kỷ khiêu khích của chính phủ Trung Quốc, gián điệp công nghiệp do nhà nước tài trợ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, vi phạm nhân quyền, phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo...

Nếu quyết định được đưa ra cách đây 5 hoặc 10 năm, nó có thể sẽ hiệu quả, tuy nhiên việc áp dụng vào thời điểm này cũng hợp lý.

Để đạt được kết quả tốt nhất, Mỹ cần nhiều quốc gia khác hỗ trợ và ban hành các lệnh cấm tương tự, tuy nhiên, trên thực tế, các quốc gia khác lại muốn thấy Mỹ tiến hành thông qua con đường ngoại giao với Trung Quốc, và bản thân họ cũng muốn thử điều đó thông qua ngoại giao trước. Mỹ chỉ đi đến sự thay đổi này sau khi đã thử rất nhiều cách khác mà không có kết quả.

Mỹ đã đi trước một mình và hiện đang cố gắng quay lại để lôi kéo các đối tác tham gia. Đây là cách tiếp cận rủi ro nhưng cần thiết đối với Mỹ.

Rõ ràng là Mỹ đã chấp nhận mức rủi ro rất lớn đối với an ninh quốc gia của mình trong tương lai khi quyết định một mình đi trước trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc và đặt cược vào niềm tin rằng các đối tác sẽ hỗ trợ Mỹ trong việc này.

Tuy nhiên, thời gian là ưu tiên hàng đầu của chính quyền của Tổng thống Biden trong trường hợp này. Mỹ tin rằng bước đi này trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc là vô cùng quan trọng - và các đồng minh của Mỹ cũng chia sẻ quan điểm này.

Phản ứng của Trung Quốc

Trung Quốc có thể chọn một số cách phản ứng. Đầu tiên, Trung Quốc có thể đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới, nhưng cơ hội thành công không thực sự cao.

Thứ hai, chính phủ Trung Quốc dường như đang lên kế hoạch cho một quỹ đầu tư trị giá khoảng 143 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Thoạt nghe thì đây có vẻ là một khoản tiền khổng lồ, nhưng trên thực tế nước này đã từng có một quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD và những người chịu trách nhiệm về quỹ đó đều bị bắt vì tội tham nhũng.

Thứ ba, Trung Quốc hiện đang cố gắng chia rẽ Mỹ khỏi các đồng minh của mình và đưa ra những khoản tiền lớn cho Nhật Bản, Hà Lan và các quốc gia khác dẫn đầu về công nghệ chip để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

Tuy nhiên, các quốc gia này cũng chỉ có thể thay thế các thiết bị của Mỹ hiện đang ở trong các nhà máy của Trung Quốc và sẽ sớm lỗi thời.

Theo chuyên gia Greg Allen, Trung Quốc cũng có thể có những lựa chọn không công khai, tức là bất hợp pháp, mà đây chắc chắn là một phần trong hộp công cụ của Trung Quốc.

Một trong số đó là phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - nghĩa là cố gắng chuyển hướng mua hàng qua các nước thứ ba.

Lựa chọn còn lại là đánh cắp tài sản trí tuệ và gián điệp công nghệ. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã sử dụng các dịch vụ tình báo của mình để làm việc này và đây có thể sẽ là ưu tiên của họ vào lúc này.

Nếu nhìn vào các khoản trợ cấp, không chỉ Mỹ mà cả EU, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đang bơm tiền vào sản xuất chip trong nước của họ, thì nguy cơ thiếu hụt chip trở thành thừa cung.

Theo Greg Allen, mức độ rủi ro là rất rõ ràng. Khi thiếu hụt thì các nước thường sẽ đầu tư để tăng công suất và phải mất một thời gian dài để công suất bổ sung đó hoạt động.

Cuối cùng, việc đầu tư tăng công suất một cách ồ ạt và không có kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Do đó, Mỹ rất cần tìm cách phối hợp đầu tư với các đồng minh. Thị trường bán dẫn bao gồm rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sẽ là một thảm họa nếu tất cả mọi người bắt đầu đầu tư vào một thị trường cùng một lúc. Phía Mỹ chắc chắn quan tâm đến việc tìm cách điều phối các khoản đầu tư này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục