'Số hóa' di tích - giúp du khách cảm nhận các giá trị điểm đến trọn vẹn

Nhằm giúp khách tham quan có những trải nghiệm tốt về các di tích văn hóa, lịch sử  địa phương, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thiết kế mẫu, chọn lọc tài liệu lịch sử, cập nhật các thông tin, chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR. Qua đó, giúp du khách dễ dàng tìm hiểu về các di tích trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Du khách quét mã QR Code tại chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Nắm bắt xu hướng

Chỉ cần một thiết bị nhỏ gọn là điện thoại di động có kết nối internet, những thông tin thú vị và quan trọng về các điểm tham quan, du lịch có thể nhanh chóng được truyền tải đến du khách qua hệ thống QR. Công nghệ số đã trở thành trợ thủ đắc lực giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và cảm nhận các giá trị của điểm đến một cách trọn vẹn hơn.

Đến tham quan tại Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình), chị Nguyễn Thị Nhàn, thành phố Hà Nội cho biết, chị biết đến Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh từ lâu và cũng đã có nhiều lần đến thăm. Trước đây, việc tìm hiểu những thông tin về di tích rất khó khăn. Tuy nhiên, lần này, chị có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin bằng việc quét mã QR đặt trên tấm biển ngay trước cửa di tích.

Theo chị Nguyễn Thị Nhàn, sau khi quét mã, thông tin cần thiết về Đền thời Thái sư Lê Văn Thịnh (như: kiến trúc nghệ thuật, giá trị của di tích) đều được hiển thị. Đền thờ là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, tôn thờ, tưởng niệm Trạng nguyên khai khoa - Thái sư Lê Văn Thịnh (một danh nhân tiêu biểu có công lao to lớn đối với vương triều Lý và đất nước). Cụm di tích có nhiều hiện vật cổ quý giá như: khánh đá, bia đá niên đại Cảnh Hưng 32, chuông đồng... Đây là một trải nghiệm thú vị cho du khách ngoại tỉnh như chị.

Khi đến tham quan chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành), chị Nguyễn Thị Chinh (huyện Quế Võ) đã có buổi trải nghiệm thú vị. Chị cho biết, trước đây, chị đã từng đi đến tham quan, vãn cảnh tại chùa cùng các bạn. Tuy nhiên, mọi người đều chỉ biết đây là ngôi chùa cổ, có cảnh đẹp bậc nhất Việt Nam. Những giá trị cốt lõi của ngôi chùa như: giá trị kiến trúc, các bảo vật quốc gia đều không được biết đến. Đến nay, khi đến chùa, mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận mã QR đặt tại lối ra vào. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, du khách có thể tìm hiểu được giá trị tổng thể của di tích.

Theo chị Chinh, chị rất ấn tượng với tòa Cửu phẩm liên hoa, một trong 4 bảo vật quốc gia. Đây là tòa tháp làm bằng gỗ hình bát giác, xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen, thể hiện 9 kiếp tu của Đức Thích Ca Mâu Ni. Các tầng của tháp dưới con mắt của Phật giáo là tiêu biểu cho những khoảng của vũ trụ được xếp bậc lên nhau. Đó là thế giới của chư thiên, Phật, Bồ Tát. Các tầng bậc đó được xem như những thang bậc của ý thức, sự giác ngộ. Tòa Cửu phẩm liên hoa phản ánh đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố Thiền - Tịnh - Mật (phương pháp tu của đạo Phật) trong thế kỷ XVII. Những nội dung cơ bản này đều được giới thiệu khi du khách quét mã QR.

Nhờ vào việc “số hóa” các di tích trên địa bàn tỉnh, việc đưa độc giả, du khách đến với di tích được dễ dàng hơn. Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ Ban Quản lý các di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết, được phân công trực tại Văn Miếu Bắc Ninh, trước đây, các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu nơi đây chị đều phụ trách thuyết minh. Tuy nhiên, từ khi đặt mã QR tại cửa ra vào di tích, khách du lịch có thể tự tìm hiểu những thông tin cơ bản. Chị chỉ phụ trách thuyết minh, giới thiệu chuyên sâu. Nhờ đó, khi nhiều đoàn cùng đến tham quan, các du khách có thể tự mình tìm hiểu và lưu lại các bài viết trên điện thoại, từ đó, nâng cao hiệu quả quảng bá giá trị di tích.

Nhân lên sức mạnh số

Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Ninh Nguyễn Đức Sâm cho biết, phát huy vai trò nòng cốt, tinh thần xung kích, tuổi trẻ Bắc Ninh đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số ở lĩnh vực văn hóa - du lịch để mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất. Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty Cổ phần Long Phương (thành phố Bắc Ninh) thiết kế mẫu, chọn lọc tài liệu lịch sử, cập nhật nhiều thông tin hữu ích, tổng hợp những bài thuyết minh hấp dẫn chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR. Mọi thông tin được mã hóa trong mã QR đều chuẩn xác, có sự kiểm tra, thẩm định của Ban Quản lý di tích tỉnh. Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, Tỉnh Đoàn đã triển khai 25 bảng mã quét QR tại các điểm di tích nổi tiếng, di tích cách mạng trên địa bàn.

Công trình thanh niên đặt biển có gắn mã QR giới thiệu về di tích, di sản văn hóa, địa chỉ cách mạng thể hiện vai trò của tuổi trẻ Bắc Ninh trong công cuộc bảo tồn văn hóa, gìn giữ các giá trị truyền thống. Theo đó, mỗi mã QR cấp có chứa nhiều thông tin, hình ảnh trực quan về các di tích tại mỗi địa phương và có thể cập nhật sự thay đổi các dữ liệu thông tin theo thời gian một cách dễ dàng. Từ đó, giúp tiết kiệm kinh phí trong việc tuyên truyền, quảng bá du lịch tại các điểm di tích, mang đến cho người dân, du khách những thông tin về điểm du lịch và những trải nghiệm, cách tiếp cận mới về quảng bá du lịch trong xu thế thời đại.

Thời gian tới, Tỉnh Đoàn Bắc Ninh tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai gắn biển QR tại các điểm di tích khác trên địa bàn. Qua đó, góp phần kích cầu ngành du lịch địa phương phù hợp xu thế phát triển du lịch thông minh trong tiến trình chuyển đổi số với sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư.

Thanh Thương (TTXVN)
Hải Dương: Các khu di tích quốc gia đặc biệt đón hàng nghìn du khách trong ngày 30 và mùng 1 Tết
Hải Dương: Các khu di tích quốc gia đặc biệt đón hàng nghìn du khách trong ngày 30 và mùng 1 Tết

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, một trong 4 di tích quốc gia đặc biệt của Hải Dương, trong những ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán đã đón khoảng 5.000 lượt du khách đến chiêm bái và dâng hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN