Các nước phương Tây thảo luận về hỗ trợ cho Ukraine

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 18/1, phát ngôn viên về chính sách đối ngoại và an ninh của Ủy ban châu Âu (EC) Nabila Massrali cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp số vũ khí trị giá 11,5 tỷ euro (hơn 12,5 tỷ USD) cho Kiev, bao gồm hỗ trợ của từng quốc gia thành viên và hỗ trợ thông qua các cơ chế quỹ tập trung của EU. 

Chú thích ảnh
Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev, ngày 15/11/2018. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Bà Massrali nêu rõ 3,1 tỷ euro đã được phân bổ từ Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF) được thành lập vào năm 2021 để phục vụ các hoạt động quân sự chung của EU và củng cố an ninh quốc tế. Tổng ngân sách của quỹ là 5,7 tỷ euro sẽ được chi tiêu cho đến năm 2027. Tuy nhiên,  tháng 11/2022, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell thông báo hơn một nửa số tiền này đã được chi cho hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Bên cạnh đó, năm 2023, Ukraine phải trả khoản nợ công trị giá 17,9 tỷ USD. Trong số gần 18 tỷ euro viện trợ của EU, 14,6 tỷ euro sẽ được sử dụng để trả nợ công trong nước và 3,3 tỷ euro để trả nợ công nước ngoài của Ukraine. 

Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết trong bài phát biểu gửi bằng videolink tới Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn mở cánh cửa chào đón nước này trở thành một phần của khối trong tương lai, đồng thời kêu gọi NATO nhanh chóng cung cấp đảm bảo an ninh cho nước này. Ông Zelensky cũng hối thúc các đồng minh phương Tây quyết định nhanh hơn trong việc hỗ trợ Ukraine. Tổng thống Ba Lan cũng nói thêm rằng Tổng thống Zelensky mong NATO sẽ đưa ra cam kết đảm bảo an ninh cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra tại Vilnius (Litva). 

Các nước hỗ trợ cho Ukraine sẽ tham gia cuộc họp do Mỹ chủ trì ở căn cứ quân sự Ramstein tại Đức trong ngày 20/1 để thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 18/1 cho biết nội dung của cuộc họp sẽ chủ yếu tập trung vào việc tăng cường hỗ trợ và hỗ trợ những vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine. Bên cạnh đó, nội dung liên quan việc hỗ trợ các xe tăng Leopard do Đức sản xuất cho Ukraine được cho là một phần thảo luận trong cuộc họp. 

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin từ Chính phủ Đức cho biết Berlin sẽ gửi xe tăng do nước này sản xuất tới hỗ trợ Ukraine nếu Mỹ cũng đồng ý hành động tương tự. Theo nguồn tin của Reuters, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhiều lần nhấn mạnh điều kiện nêu trên trong các cuộc họp kín gần đây. 

Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, bà Karine Jean-Pierre, nêu rõ ông chủ Nhà Trắng tin tưởng mỗi quốc gia nên có những quyền tự quyết về những bước hỗ trợ an ninh và loại thiết bị cung cấp cho Ukraine. Tương tự, phát biểu với các phóng viên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho biết Washington chưa quyết định về vấn đề cung cấp xe tăng Abraham cho Ukraine, nêu rõ đây là thiết bị phức tạp, đắt đỏ, không dễ để có thể nhanh chóng học cách điều khiển và khó bảo trì.

Trong diễn biến liên quan, ngày 18/1, nhân chuyến thăm Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Canada thông báo sẽ tài trợ 200 xe chở nhân viên quân sự cho các lực lượng Ukraine. Đây là một phần trong gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu CAD (373 triệu USD) mà Thủ tướng Canada Justin Trudeau đưa ra hồi tháng 11/2022.

Duy Trinh - Lê Ánh (TTXVN)
Điểm danh các loại xe tăng phương Tây sẽ viện trợ cho Ukraine
Điểm danh các loại xe tăng phương Tây sẽ viện trợ cho Ukraine

Cuối tháng trước, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov cho biết kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva ở Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev hơn 350 chiếc xe tăng, cùng nhiều khí tài quân sự khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN