Ba Lan thay đổi học thuyết quốc phòng do xung đột Nga - Ukraine

Ba Lan chuẩn bị từ bỏ học thuyết thiết lập hệ thống phòng thủ dọc theo sông Vistula trong trường hợp bị tấn công, sau những bài học rút ra từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ba Lan trong một cuộc tập trận. Ảnh: WOT

Đài phát thanh Ba Lan (polskieradio.pl) mới đây dẫn lời các quan chức quân sự nước này cho biết Warszawa (Vacsava) đang có kế hoạch điều chỉnh học thuyết quân sự của mình, vốn dựa vào sông Vistula như một tuyến phòng thủ trước các cuộc tấn công tiềm tàng, sau những bài học từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Động thái này cũng đã được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wojciech Skurkiewicz công bố 10/1 vừa qua.

Ông Skurkiewicz nêu rõ: “Sự thay đổi của học thuyết quốc phòng bắt nguồn từ những bài học trong cuộc xung đột ở Ukraine, cho thấy rằng toàn bộ lãnh thổ của đất nước phải được bảo vệ ngay lập tức”.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Błaszczak, người đầu tuần này đã tuyên bố thành lập một sư đoàn quân mới ở biên giới phía Đông (giáp biên giới với Ukraine), nói rằng "nguyên tắc thiết lập hệ thống phòng thủ dọc theo sông Vistula hiện không còn phù hợp".

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn PAP (Ba Lan), Tướng Roman Polko, cựu chỉ huy đơn vị lực lượng đặc biệt GROM của Ba Lan, nhận định rằng theo học thuyết quân sự hiện tại của Ba Lan, "trong trường hợp bị tấn công bất ngờ, hỏa lực mạnh, các lực lượng Ba Lan ban đầu sẽ sử dụng biện pháp phòng thủ cơ động".

Ông Polko nói thêm: "Về cơ bản, điều này có nghĩa là chúng tôi cho phép đối thủ vào lãnh thổ của mình và sau đó chúng tôi bao vây họ, tấn công hậu phương của họ, cắt đứt hậu cần của họ và tiêu diệt từng bộ phận quân đội của họ".

"Đó là nghệ thuật chiến tranh, nhưng nó chỉ có ý nghĩa khi chúng tôi đối mặt với một đội quân khác, không giống như khi đối mặt với một đối thủ như Nga", ông Polko lưu ý.

Công Thuận/Báo Tin tức
Ukraine có thể nhận được vũ khí hạng nặng đang ‘mong chờ’ từ Ba Lan
Ukraine có thể nhận được vũ khí hạng nặng đang ‘mong chờ’ từ Ba Lan

Đức hiện không có kế hoạch gửi xe tăng Leopard 2 tới Ukraine, nhưng Ukraine lại có thể nhận một số xe tăng hiện do Đức chế tạo này từ Ba Lan. Đây chính là thứ vũ khí hạng nặng mà Kiev nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN