Doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng tận dụng đà tăng trưởng

Mặc dù trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh, sụt giảm nhu cầu và lạm phát từ các thị trường trên thế giới, song sản xuất công nghiệp và thương mại trong nước vẫn có bước tăng trưởng khá. Điều này ngoài các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thì cũng đến từ chính sự nỗ lực của doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
 Sản xuất ô tô du lịch tại nhà máy lắp ráp ô tô Ford Hải Dương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tăng trưởng ấn tượng

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong tháng 11/2022, sản xuất công nghiệp toàn ngành chỉ tăng 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,2%).

Mức tăng trong tháng 11 vừa qua không đạt như kỳ vọng là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm lại kể từ tháng 9/2022 ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... Lạm phát, nhu cầu chi tiêu giảm khiến cho đơn hàng ít hơn dự kiến, các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng từ tháng 10...

Dù vậy, trong cả 11 tháng, mức tăng vẫn là ấn tượng, với 8,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,9%, đóng góp 6,8 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,7%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng 6,5%, đóng góp 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chia sẻ từ ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn và chịu áp lực rất lớn. Các đơn hàng tháng 11 - 12 năm nay và quý I/2023 sụt giảm với mức bình quân giảm từ 25 - 27% và đặc biệt với doanh nghiệp làm hàng gia công, sự suy giảm này càng nặng hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch.

"Khó khăn nữa là vấn đề lao động, bởi lao động là tài sản số 1 của doanh nghiệp, trên cả thiết bị công nghệ, nhà xưởng nên dù trong bối cảnh hiện nay, những đơn vị giảm, hụt đơn hàng cũng phải gắng gượng để giữ chân lao động. Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động, giữ chân họ trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Chúng tôi nhận định sự phục hồi mạnh mẽ sẽ rơi vào quý III - IV/2023", ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Dù khó khăn, song theo báo cáo của VITAS, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp và nhiều điểm sáng. Xuất khẩu trong 10 tháng qua, đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021. Đây là nỗ lực rất lớn và là tiền đề để toàn ngành đạt xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay. 

Theo nhận định của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp phải đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn, doanh nghiệp giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Cùng với đó, rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp trước mắt là tháo gỡ về vốn, khơi thông dòng tiền cho sản xuất, kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước, từng bước thay thế cho nhu cầu nhập khẩu trong bối cảnh mặt bằng giá cả thế giới tăng cao. Cụ thể, Bộ này rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất với giá cả phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kích cầu đầu tư công các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông. Đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản để tạo thị trường cho một số ngành hàng như thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải…

Đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt các Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Quy hoạch ngành quốc gia (Quy hoạch điện 8; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản…) làm căn cứ để thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, dự án sản xuất công nghiệp, năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản… tạo động lực cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu và tạo việc làm cho xã hội.

Kỳ vọng nào cho năm tới?

Chú thích ảnh
 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH in và may mặc An Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm nay thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Theo chia sẻ từ ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Công ty Inox Hoàng Vũ, doanh nghiệp đang rất mong muốn được tiếp cận nguồn tài chính, ngân sách qua lãi suất ưu đãi. Việc nới "room" tín dụng được các doanh nghiệp rất quan tâm, đặc biệt là hướng nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kỳ vọng của các doanh nghiệp về chỉ tiêu tăng trưởng vốn này là rất lớn.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, việc nới room sẽ tạo ra các dòng vốn mới để đưa vào hệ thống các doanh nghiệp, những đơn vị có bài toán kinh doanh khả thi, thị trường ổn định, đặc biệt, tập trung cho doanh nghiệp sản xuất thương mại… Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nới room, giảm lãi vay cũng cần giảm thủ tục hành chính.

“Chúng tôi mừng nhưng cũng lo lắng trong quá trình triển khai. Bởi như các gói kích cầu, hỗ trợ cho doanh nghiệp những lần trước gần như tiếp cận rất khó khăn. Các phương án hỗ trợ của nhà nước cần triển khai nhanh chóng, bởi thời điểm này gần như đã không còn kịp để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất đơn hàng cuối năm. Có chăng các gói hỗ trợ sẽ được tận dụng cho đầu - giữa năm sau 2023. Doanh nghiệp nếu có thể tiếp cận được thêm vốn, sẽ thuận lợi hơn trong sản xuất ở năm sau”, ông Kết nói.

Theo ông Vũ Đức Giang, ngoài các giải pháp về nguồn tài chính, lãi suất thấp thì Chính phủ và các bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động. Điều này sẽ tạo động lực cho năm tới, doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu các đơn hàng khi nhu cầu thị trường hồi phục trở lại…

Đức Dũng (TTXVN)
Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP
Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP

Ngày 9/12, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 10 để đánh giá tình hình công tác năm 2022, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, cho ý kiến một số nội dung theo Quy chế làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN